Là nhân viên kinh doanh tại một doanh nghiệp nội thất, anh Nhật Trường sống ở Hà Nội cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị hiện nay khoảng 34 triệu đồng/tháng. Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ cho người nộp thuế của cả hai vợ chồng tổng cộng là 22 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ người phụ thuộc cho 2 con là 8,8 triệu đồng/tháng.
Như vậy, với khoản phải chịu thuế TNCN là 3,2 triệu đồng/tháng, thì số tiền thuế TNCN mà vợ chồng chị phải đóng khoảng 320.000 đồng/tháng, tính ra cả năm là khoảng 3,84 triệu đồng. Đây là khoản tiền không hề nhỏ bởi chi phí sinh hoạt hiện nay đều tăng.
“Thu nhập của hai vợ chồng không tăng mà chi phí sinh hoạt lại tăng nhiều lần so với năm ngoái, trong khi tiền thuế TNCN không hề được giảm đồng nào. Tôi mong có những điều chỉnh trong thu thuế thu nhập cá nhân thích ứng với hoàn cảnh mới”, anh Nhật Trường cho hay.
Tương tự, với tổng thu nhập của hai vợ chồng một tháng là 40 triệu đồng, chị Sao Vy sống tại Hà Nội cũng cho biết, ngoài tiền ăn, tiền điện nước, tiền học cho hai con,… gia đình còn phải trả một khoản khoản thuê nhà 10 triệu đồng/tháng nên hai vợ chồng phải dè xẻn từng đồng. Trong khi đó, năm vừa rồi, gia đình chị Sao Vy vẫn phải nộp hơn 11 triệu đồng tiền thuế TNCN.
“Đóng thuế thu nhập cá nhân là trách nhiệm của người dân, tuy nhiên sau dịch COVID-19, giá cả hàng hóa tiêu dùng đều đã tăng cao, thu nhập không đủ chi tiêu. Vì vậy, thuế thu nhập cá nhân đang trở thành gánh nặng của gia đình tôi”, chị Sao Vy cho hay.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, Luật thuế TNCN được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành 1/1/2009. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là đối với những người có thu nhập 9 triệu đồng/tháng (chưa kể việc tính miễn trừ gia cảnh đối với nuôi con nhỏ, bố mẹ già) thuộc diện chịu thuế.
Trước sức ép về lạm phát, nhằm giảm khó khăn cho người lao động, ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN có hiệu lực từ 1/7/2020. Theo đó, mức giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Gần 4 năm qua, diễn biến giá cả thị trường lại liên tục tăng cao khiến người nộp thuế phải tốn nhiều chi phí để trang trải cuộc sống. Quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được xem đã quá lỗi thời. Vì vậy, sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ðây cũng là cách khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu.
“Rất nhiều người lao động đang trông đợi luật được sửa đổi sớm, chứ không nên chờ tới tháng 10/2025 mới trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ XI vào tháng 5/2026 như dự kiến”, ông Thịnh nêu rõ.
Những bất cập cần thay đổi
Thảo luận về thực hiện ngân sách năm 2023 và dự toán, kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2024 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cũng cho rằng, các quy định trong tính thuế TNCN như khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, bậc chịu thuế... không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát.
Trong khi hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20 - 30% từ sau dịch COVID-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên. Thậm chí có quy định đã lạc hậu, chậm điều chỉnh cả chục năm như 7 bậc chịu thuế áp dụng từ 2007 đến nay. “Đây là bất cập lớn, cần thay đổi”, đại biểu nêu quan điểm.
Cũng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Tài chính cho biết đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế; trong đó có Luật Thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp.
Góp ý về các mức sửa đổi, ông Thịnh đề xuất, cần nâng mức tính thuế cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng như hiện nay lên mức cao hơn, thậm chí 18 - 20 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (hiện là 4,4 triệu đồng/tháng) cũng cần được nâng lên 50 - 70%, tức khoảng 6 - 7,5 triệu đồng/tháng.
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập mới phải nộp thuế. Do vậy, trong lần sửa đổi này, cần bổ sung quy định các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ, như chi phí tiền học cho con, tiền lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên, tiền chữa bệnh hiểm nghèo bảo hiểm không chi trả, tiền điện, tiền nước… phải được khấu trừ khi tính thuế TNCN.
Ngoài ra, theo quy định khi nào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20% mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh, nên thời gian qua việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động chưa được kịp thời. Thực tế, lạm phát của Việt Nam thường chỉ tăng khoảng 3-4%/năm, nếu để cộng dồn CPI tăng 20% phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
“Để quy định trong luật không lạc hậu, gây thiệt thòi cho người nộp thuế, vào cuối năm, khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng hay giảm bao nhiêu thì mức giảm trừ gia cảnh cũng nên được điều chỉnh tương ứng”, ông Đức nêu rõ.