Cục Hàng không vừa yêu cầu năm hãng bay báo cáo công tác bán vé máy bay dịp Tết trước những phản ánh về hiện tượng khan hiếm tại nhiều chặng bay và giá vé bay đắt đỏ. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng đến nay mới yêu cầu báo cáo là "muộn màng" vì đã kết thúc mùa bay Tết.
Nhiều hành khách đi lại bằng đường hàng không cho rằng dù nhu cầu tăng cao trong dịp Tết nhưng một khi các hãng bay có kế hoạch tăng chuyến, tăng ghế sẽ không thể xảy ra hiện tượng khan hiếm, thậm chí "cháy vé" và chỉ được bán với số lượng nhỏ giọt sát ngày bay, đặc biệt là giá vé bay cao ngất ngưởng vào dịp Tết vừa qua.
Chẳng hạn, để mua vé bay chặng Đà Nẵng - TP.HCM vào ngày 18-2 (mùng 9 tháng giêng) vừa qua, chị N.T.M.Chi (TP Thủ Đức) liên tục gọi đến các hãng bay nội địa nhưng đều nhận thông báo không còn vé. Tuy nhiên, trên hệ thống của một hãng bay, cứ vài phút lại có một chuyến bay còn chỗ. Sau khi đặt mua, tới phần thanh toán, chị Chi nhận thông báo chuyến bay không còn vé.
Liên tục cầm hai điện thoại, sẵn sàng nạp tiền vào trong ví điện tử có liên kết thanh toán với hãng bay để nhanh chóng "săn vé". "Từ sáng tới tối, tôi mới mua được vé tối mùng 9 với giá 2,4 triệu đồng/vé. Cứ vào thanh toán là bị rớt ra. Lượng vé cứ mở nhỏ giọt, khách canh mua cũng rất khó khăn" - chị Chi nói.
Dù các hãng thường xuyên công bố tăng chuyến dịp Tết nhưng giá vé máy bay vẫn cao, thậm chí một số chặng bay nhanh chóng khan hiếm vé. Theo anh N.M.Kiệt, người thường xuyên đi máy bay khi đi công tác trong và ngoài nước, ngoài nguyên nhân do nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, không loại trừ khả năng "làm giá" của các hãng bay.
"Trong thực tế, có tình trạng đẩy giá, mở bán nhỏ giọt, thậm chí "cắt" các hạng vé rẻ để bán hạng vé mức cao. Vào dịp Tết, các hãng bay mở bán rất ít hạng vé giá rẻ nên hết vé rất nhanh. Đây là điều không bình thường. Bởi giá vé máy bay được các hãng phân bổ với nhiều dải giá khác nhau, tùy từng thời điểm, từ thấp đến cao và được khống chế bởi mức giá trần", anh Kiệt đặt nghi vấn.
Giá vé cao ngất ngưởng, hãng bay vẫn kêu "khó ăn"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một hãng bay cho rằng việc bán vé theo cơ chế thị trường và tuân thủ quy định về giá trần, có sự cạnh tranh về giá vé giữa các hãng bay, đường bay, đồng thời cho rằng hãng bay cũng "khó ăn" bởi đặc thù bay lệch trước và sau Tết nên chi phí khá cao.
Giải thích lý do vé bay vẫn khan hiếm và đắt đỏ trong những ngày gần đây (sau Tết), vị này cho biết các hãng bay bắt đầu giảm tần suất khai thác từ ngày 20-2 do phải trả máy bay thuê hoặc tháo động cơ đi sửa chữa. "Đến nay có 8-9 máy bay Airbus A321Neo của Vietnam Airlines và Vietjet phải tạm dừng kiểm tra khắc phục động cơ Pratt & Whitney", vị này nói.