Chị Nhung (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hiện vợ chồng chị có 800 triệu tiền nhàn rỗi. Mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt thì chị có thể tiết kiệm từ 30 – 50 triệu đồng. Ngoài căn chung cư đang ở, chị Nhung và chồng có ý định tìm mua đất nền vùng ven với số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tham khảo từ thực tế thị trường trước và sau Tết, chị Nhung vẫn còn đắn đo chưa thể “chốt hạ” vì lo ngại mua hớ.
“Với 800 triệu tiền mặt và sẽ vay ngân hàng từ 1 đến 1,2 tỷ, hai vợ chồng mình mong muốn tìm mua đất nền, sẽ vay và thế chấp bằng chính tài sản sắp mua. Tuy nhiên, do phải vay ngân hàng nên mình phải tính toán thật kỹ trước khi xuống tiền. Hơn nữa, các giao dịch đất nền thời điểm này cho thấy giá vẫn đi ngang và nguồn cung thì khá nhiều. Rất mong mọi người tư vấn”, chị Nhung băn khoăn.
Nhiều nhà đầu tư cân nhắc thời điểm rót tiền mua đất nền
Được biết, tâm lý “chờ đợi” kỳ vọng thị trường giảm giá hơn nữa của chị Nhung cũng là tâm lý của nhiều nhà đầu tư thời điểm này. Những câu hỏi chung các nhà đầu tư quan tâm như: Giá bán và nguồn cung bất động sản hiện nay như thế nào? Liệu thị trường đã chạm đáy? Có nên đầu tư bất động sản sau Tết âm lịch hay tiếp tục chờ đợi?...
Nhận định về thị trường BĐS thời điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2024 được xem là bản lề để thị trường có thể dần hồi phục trở lại. Mặc dù có khó khăn nhưng vẫn đan xen những cơ hội.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, mặc dù nhận định ngành địa ốc vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, song thị trường luôn đan xen thách thức và cơ hội. Vì vậy, nếu biết nắm bắt, năm 2024 vẫn sẽ là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư xuống tiền.
"Tất nhiên, để nắm bắt cơ hội, nhà đầu tư cũng phải biết lựa chọn các sản phẩm đảm bảo về pháp lý và phù hợp với khả năng tài chính. Ưu tiên làm việc với các sàn giao dịch, chủ đầu tư uy tín. Nhất là cần tránh chạy theo tâm lý đám đông như quá lo lắng về mức độ khó khăn của thị trường hay kỳ vọng giá tiếp tục giảm mà đánh mất đi các cơ hội phù hợp", ông Đính nói.
Vị chuyên gia cho rằng, năm 2024 dự đoán sẽ là giai đoạn cuối khó khăn của thị truờng bất động sản. Tuy không thể bùng nổ, nhưng sẽ dần vào ổn định. Năm nay được cho là khởi đầu của một chu kỳ mới phát triển cho nhiều năm tiếp theo.
Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2024 sẽ là giai đoạn cuối khó khăn của thị truờng bất động sản
Chia sẻ về tình hình giao dịch 2 tháng đầu năm 2024, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, cho biết từ đầu tháng 12 năm ngoái khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tích cực thảo luận, giới đầu tư đất nền đã bắt đầu rục rịch trở lại thị trường.
“Do gắn với tư duy “tấc đất tấc vàng” nên nhu cầu sở hữu nhà đất, nhu cầu tích sản của người Việt rất lớn. Bởi vậy cũng không khó hiểu khi đất nền nhận được sự quan tâm nhiều nhất của người tiêu dùng trong năm 2024”, ông Tuấn dự báo.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Minh Tuấn, thời gian tới thị trường đất nền sẽ tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt với những lô đất lớn. Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ siết chặt hoạt động phân lô bán nền, có thể khiến mức độ quan tâm đối với đất nền tiếp tục sụt giảm. Mặt bằng giá đất nền cũng sẽ được điều chỉnh giảm, nhất là đối với những lô đất to.
Về thời điểm đầu tư đất nền trong năm nay, theo ông Tuấn, phải đến quý II - III/2024 thị trường mới thực sự có chuyển biến rõ nét. Hiện tại vẫn đang là giai đoạn thăm dò và chờ đợi. Đối với nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, chưa nên tham gia phân khúc đất nền ở thời điểm này. Còn đối với những nhà đầu tư lớn, có dòng tiền khỏe thì thời gian này là lúc thích hợp để tìm kiếm cơ hội.
Với góc nhìn thận trọng hơn, chuyên gia tài chính cá nhân Lê Quốc Kiên cho rằng, nhu cầu sử dụng sẽ dẫn dắt thị trường nên nhà ở riêng lẻ và chung cư nhóm 1 (bình dân) sẽ dẫn đầu về xu hướng tăng trưởng, dần ổn định lại trước, có thể giá sẽ không giảm nữa nhưng cũng chưa tăng lại, mà đi ngang trong 2-3 quý đầu năm.
Chung cư nhóm 2, 3 (trung và cao cấp) chắc vẫn phải duy trì đà giảm thêm 5% đến 10% nếu muốn bán nhanh.
Nhà phố liền kề trong dự án có thể duy trì mức giá 2019 - 2020 nếu sức khỏe chủ đầu tư tốt hơn, pháp lý dự án đảm bảo và được triển khai tiếp tục đúng tiến độ. Nếu các thông tin tiêu cực vẫn bủa vây thì có thể phải giảm thêm 10% đến 15% cũng chưa chắc có thanh khoản.
Đất nền vùng ven cách trung tâm dưới 20 km có thể cần giảm thêm 5% đến 10%.
Đất nền và đất lớn ở các khu vực tỉnh xa đã giảm khá nhiều trong 2022-2023 nên chắc sẽ đi ngang hoặc giảm thêm 5% đến 10% nếu cần thanh khoản...
Ông Kiên đồng thời lưu ý nhà đầu tư: “2024 vẫn là giai đoạn vừa giằng co vừa thăm dò quan sát tình hình của người mua. Các BĐS nếu không đáp ứng tốt "nhu cầu sử dụng cuối" thì vẫn chưa có nhiều thanh khoản”.