Ngày 17.6, Bộ Tư pháp phối hợp Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo Cơ chế thu hút chuyên gia pháp lý là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia đóng góp cho hoạt động pháp luật và tư pháp.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huyên (Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp) chủ trì hội thảo
ẢNH: LÊ TIẾN
Tại hội thảo, các đại biểu thừa nhận mặc dù Việt Nam có nhiều nỗ lực, từ việc đưa ra chủ trương cho tới việc thể chế hóa các quy định pháp luật, nhưng việc thu hút chuyên gia pháp lý người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, rào cản cơ bản nhất là sự khác biệt về nền tảng hệ thống pháp luật. Ngoài ra, số lượng tri thức kiều bào đang ngày càng trẻ hóa, dẫn đến việc kết nối với quê hương lỏng lẻo hơn thế hệ trước.
Đưa ra các giải pháp, tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Anh (giảng viên khoa Pháp luật quốc tế, Trường đại học Luật TP.Hà Nội) cho rằng, cần thiết lập cơ sở dữ liệu chuyên gia pháp lý người Việt Nam ở nước ngoài. Và việc thiết lập này sẽ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Cơ quan đại diện người Việt Nam ở nước ngoài, cùng sự hỗ trợ của Bộ KH-CN thực hiện.
“Đồng thời kêu gọi, đưa ra chính sách ưu đãi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thông tin và cập nhật dữ liệu. Chẳng hạn ưu tiên những cá nhân có thông tin trên cơ sở dữ liệu sẽ được nhập quốc tịch, hoặc trở lại quốc tịch; ưu tiên các chính sách liên quan đến sở hữu nhà ở, kinh doanh bất động sản… Nếu chúng ta kêu gọi và đưa ra các chính sách có lợi, tôi nghĩ họ sẽ tham gia”, tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Anh nêu.

Không gian hội thảo Cơ chế thu hút chuyên gia pháp lý là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia đóng góp cho hoạt động pháp luật và tư pháp
ẢNH: LÊ TIẾN
Luật sư Phạm Thị Hồng Nhung (Công ty luật TNHH Lawrel) đề xuất áp dụng mô hình học bổng kiểu KFAS của Hàn Quốc. Tức xây dựng một quỹ học thuật quốc gia kết hợp giữa nguồn ngân sách nhà nước và đóng góp xã hội hóa từ các doanh nghiệp lớn.
Quỹ này sẽ tài trợ học giả Việt kiều sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu dài hạn, hoặc thực hiện các đề tài tư vấn chính sách, pháp lý chiến lược theo đặt hàng của nhà nước hoặc các tổ chức nghề nghiệp.
Tạo cơ chế chuyên gia cho từng lĩnh vực
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho biết, chủ đề hội thảo đang được Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm.
Theo bà Xuân, chuyên gia nước ngoài làm việc cho các cơ quan thuộc Quốc hội đã được quy định rất kỹ về tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc sử dụng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế và các điều kiện đảm bảo kinh phí cho các chuyên gia.
Theo bà Xuân, vừa rồi, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 197 ngày 17.5.2025 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Trong đó, nội dung chi và sử dụng ngân sách cho việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Quốc hội đã giao cho Chính phủ phải ban hành.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo
ẢNH: LÊ TIẾN
“Như vậy các chuyên gia pháp lý là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, sau này được sử dụng ra sao hoặc có chính sách cụ thể như thế nào sẽ do Bộ Tư pháp và Chính phủ quy định. Song, cơ chế chuyên gia này mình phải có quy định rất là cụ thể trên từng lĩnh vực, chẳng hạn lĩnh vực hạt nhân, lĩnh vực đổi mới sáng tạo, lĩnh vực về đất đai, lĩnh vực về tranh chấp quốc tế…”, bà Xuân gợi mở.
Bên cạnh đó, bà Xuân cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về thủ tục hành chính, quy trình phối hợp giữa các cơ quan liên quan khi mời chuyên gia nước ngoài tham gia các lĩnh vực pháp lý; cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các chính sách, cơ chế liên quan đến việc sử dụng chuyên gia, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi trong thực tiễn.
Kết luận hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huyên (Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp) cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến, và có báo cáo cung cấp Bộ Tư pháp nghiên cứu chung, để đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp trong quá trình soạn thảo pháp luật liên quan.