Phía Việt Nam có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cùng đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đại diện FTSE Russell gồm các lãnh đạo phụ trách sản phẩm cổ phiếu, chính sách chỉ số và quan hệ đối tác khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng GDP đạt 7,52% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ tiếp tục theo đuổi mục tiêu GDP cả năm đạt từ 8% trở lên và hướng tới tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.
Để đạt mục tiêu này, Bộ Tài chính tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công và phát triển thị trường chứng khoán nhằm thu hút vốn đầu tư gián tiếp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Bộ Tài chính).
Theo người đứng đầu Bộ tài chính, một thị trường chứng khoán phát triển thực chất là nền tảng thu hút dòng vốn dài hạn. Việc nâng hạng từ cận biên lên mới nổi được xem là kết quả tự nhiên của quá trình cải cách, không phải đích đến.
Trong thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước duy trì đối thoại với các tổ chức xếp hạng và nhà đầu tư để cập nhật thông tin cải cách và tiếp nhận ý kiến từ thị trường.
Bộ trưởng nhận định một thị trường chứng khoán phát triển thực chất chính là nền tảng để thu hút dòng vốn dài hạn.
Ông nhấn mạnh: “Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ cận biên lên mới nổi, không phải là đích đến, mà là kết quả tự nhiên khi chúng tôi kiên định theo đuổi các mục tiêu phát triển cốt lõi, nhằm hướng đến một thị trường chứng khoán phát triển công bằng, minh bạch và hiệu quả.”
Theo Bộ trưởng, việc nâng hạng chỉ xảy ra khi thị trường vận hành ổn định, minh bạch, có độ tin cậy cao và đủ sức hấp dẫn dòng vốn dài hạn.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức đối thoại thường xuyên với các tổ chức xếp hạng và nhà đầu tư để cập nhật về tiến độ cải cách cũng như tiếp nhận các kiến nghị trong quá trình tham gia thị trường Việt Nam.
Tại cuộc gặp, ông Gerald Toledano, đại diện FTSE Russell, ghi nhận những nỗ lực cải cách của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng vận hành thị trường vốn.
Ông nhấn mạnh xu hướng phát triển đáncủa các quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại châu Á và cho biết FTSE Russell cam kết hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các chỉ số phục vụ đánh giá và quản lý rủi ro tài chính.

Ông Gerald Toledano, Giám đốc mảng Sản phẩm Cổ phiếu và Đa tài sản Toàn cầu kiêm Giám đốc về Giải pháp Tùy chỉnh và Sản phẩm Thay thế Toàn cầu của FTSE Russell.(Ảnh: Bộ Tài chính).
Với vai trò là thành viên của London Stock Exchange Group, FTSE Russell sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cập nhật hạ tầng thị trường để thu hút dòng vốn quốc tế, đồng hành dài hạn đến năm 2045.
Phản hồi đề xuất từ FTSE Russell, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, theo hướng công khai tỷ lệ sở hữu nước ngoài và loại bỏ các quy định không còn phù hợp. Các quy định về hoạt động chào bán và phát hành chứng khoán cũng đang được rà soát để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Bộ Tài chính hiện là đơn vị tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Trên cơ sở đó, Bộ đang rà soát tình hình hoạt động, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng phương án cổ phần hóa và thoái vốn phù hợp. Việc rà soát ngành nghề đầu tư có điều kiện cũng đang được triển khai với mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Về thủ tục đầu tư, Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để đơn giản hóa quy trình và tháo gỡ các vướng mắc thực tiễn. Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 17/2024/TT-NHNN hiện đang được lấy ý kiến, với các nội dung như đơn giản hóa hồ sơ pháp lý và linh hoạt hơn trong nhận diện khách hàng. Bộ cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng mức độ minh bạch và tự động hóa.
Đối với thị trường ngoại hối, Bộ Tài chính đang cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu khung pháp lý nhằm tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống KRX đã được đưa vào vận hành từ tháng 5/2025 và đang được sử dụng làm nền tảng triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) từ đầu năm 2027.


Quang cảnh buổi làm việc.(Ảnh: Bộ Tài chính).