Quản trị

Nhân viên ngân hàng Việt chỉ tạo ra lợi nhuận 40.000 USD/năm, kém 30 lần nhân viên Webank

Nhân viên ngân hàng Việt chỉ tạo ra lợi nhuận 40.000 USD/năm, kém 30 lần nhân viên Webank - Ảnh 1.

WeBank tạo "kỳ tích" dù chỉ có 1.000 -2.000 nhân sự

Ngày 16/7, tại Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề "Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực", ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đã có bài tham luận chuyên đề: "AI & Blockchain: Thay đổi căn bản nhân lực ngành ngân hàng".

Với hơn 20 năm là lãnh đạo cấp cao tại TPBank, Techcombank, ông Phan Đức Trung nhận định, ngành ngân hàng đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mô hình vận hành truyền thống dựa trên quy mô vật lý sang mô hình chú trọng hiệu quả số.

Nếu như trước đây, các chỉ số như tổng tài sản, số lượng chi nhánh hay lượng khách hàng từng được xem là tiêu chí chính để đánh giá hiệu quả, thì nay, trong bối cảnh số hóa, thước đo ấy cần thay đổi. "Lợi nhuận trên mỗi nhân viên chính là chỉ số trung thực nhất phản ánh hiệu quả chuyển đổi", ông Trung nhấn mạnh.

Một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng này là ngân hàng số WeBank. Dù chỉ có từ 1.000 đến 2.000 nhân sự, WeBank đạt mức lợi nhuận trung bình 1,27 triệu USD mỗi nhân viên mỗi năm. Trong khi đó, ngân hàng lớn nhất Trung Quốc – ICBC – dù có tới hơn 400.000 nhân viên, cũng chỉ đạt con số 115.000 USD/người/năm. Ông Trung cho rằng sự khác biệt không nằm ở số lượng nhân sự, mà đến từ cách tổ chức vận hành dựa vào công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain.

So sánh với mặt bằng chung toàn cầu, hiệu suất của WeBank càng nổi bật. Theo dữ liệu, mức lợi nhuận trung bình trên mỗi nhân viên trong ngành ngân hàng thế giới hiện vào khoảng 172.000 USD/năm. Những tổ chức hàng đầu như UBS hay JPMorgan vượt ngưỡng 200.000 USD, trong khi nhóm dẫn đầu còn lại dao động từ 150.000–200.000 USD. Các ngân hàng truyền thống quy mô lớn duy trì hiệu suất trong khoảng 90.000–150.000 USD/năm.

Ở Việt Nam, hiệu suất của ngành ngân hàng vẫn còn khoảng cách khá xa. Bình quân, lợi nhuận trên mỗi nhân viên của các ngân hàng trong nước chỉ đạt khoảng 40.000 USD/năm. Một số ngân hàng đi đầu trong số hóa, như Techcombank, đã nâng hiệu suất lên khoảng 60.000 USD nhưng vẫn còn cách xa so với chuẩn toàn cầu, và đặc biệt là mức 1,27 triệu USD của WeBank.

AI là "bộ não" và blockchain là "hệ thần kinh" của ngân hàng

Nhân viên ngân hàng Việt chỉ tạo ra lợi nhuận 40.000 USD/năm, kém 30 lần nhân viên Webank - Ảnh 2.

Ông Phan Đức Trung

Lý giải về hiệu suất của WeBank, ông Trung cho biết ngân hàng này đã ứng dụng hiệu quả AI và blockchain vào vận hành. AI như "bộ não" – giúp tự động đánh giá tín dụng, phát hiện gian lận, ra quyết định tức thời dựa trên dữ liệu lớn. Trong khi đó, blockchain là "hệ thần kinh" – đảm bảo minh bạch, đồng bộ và duy trì hoạt động liên tục, nhất là với giao dịch xuyên biên giới.

WeBank đã chứng minh hiệu quả của hai công nghệ này khi tự động hóa gần như toàn bộ quy trình. Doanh nghiệp chỉ mất 15 phút để được phê duyệt khoản vay, còn khách hàng cá nhân chỉ mất 5 giây. Nền tảng blockchain mã nguồn mở FISCO BCOS do WeBank phát triển có thể xử lý đến 200.000 giao dịch mỗi giây – vượt trội hơn nhiều so với các nền tảng như Hyperledger Fabric của IBM. Nhờ vậy, chi phí IT cho mỗi tài khoản tại WeBank chỉ khoảng 0,3 USD/năm – mức mà các ngân hàng truyền thống khó có thể đạt được.

Không chỉ tại Trung Quốc, AI và blockchain đang dần trở thành trục vận hành mới tại nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới. Tại Mỹ, Kinexys – công ty con của J.P. Morgan – với chỉ 275 nhân sự (80% là kỹ sư công nghệ) đã đạt hiệu suất đáng nể: chuyển tiền quốc tế chỉ trong 4 giây với chi phí 0,5 USD, đồng thời sử dụng AI để phát hiện gian lận nhanh gấp 300 lần so với cách làm truyền thống.

HSBC cũng là ví dụ điển hình khi tích hợp AI vào hệ thống phòng chống rửa tiền (AML), xử lý tới 1,2 tỷ giao dịch mỗi tháng mà không cần tăng số lượng nhân sự.

Tại châu Á, ngân hàng UOB Singapore đã ứng dụng AI vào xử lý giao dịch đầu tư, giúp rút ngắn thời gian từ 48 giờ xuống chỉ còn 2 giờ – cho thấy tốc độ xử lý có thể được nâng cấp vượt bậc nhờ công nghệ. Trong khi đó, HSBC – một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới đang ứng dụng AI vào hệ thống

Dù tiềm năng công nghệ là rất rõ ràng, ông Trung cũng thẳng thắn nêu lên rào cản lớn nhất là sự chậm trễ trong việc xây dựng khung pháp lý cho blockchain và tài sản số. Tại Việt Nam, hành lang pháp lý vẫn chưa rõ ràng đối với các hoạt động như giao dịch tài sản số, thanh toán xuyên biên giới bằng blockchain hay vận hành sàn giao dịch số hóa. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp blockchain buộc phải "di cư pháp lý" sang các quốc gia như Singapore, BVI hay Dubai để huy động vốn và mở rộng hoạt động.

"Nếu không có bước đi kịp thời, thị trường blockchain Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển và khoảng 90–95% nhân lực blockchain tại Việt Nam sẽ phải tìm kiếm những vùng đất mới," ông Trung cảnh báo.

Ông Trung đề xuất phải ban hành khung pháp lý FinTech toàn diện, bao gồm AI, blockchain và tài sản số để khơi thông thị trường. Thứ hai, đưa các môn học về blockchain và AI trở thành tín chỉ bắt buộc tại các trường đại học khối tài chính, công nghệ. Thứ ba, xây dựng mô hình đào tạo ba bên giữa ngân hàng – doanh nghiệp công nghệ – cơ sở giáo dục để tái đào tạo nguồn nhân lực truyền thống sang các vị trí như kỹ sư dữ liệu, chuyên viên AI, quản lý vận hành hệ thống blockchain.

Các tin khác

Lý do DN đổi tên các mặt hàng xăng dầu

Nhiều mặt hàng xăng dầu được đổi tên từ ngày 16/7 nhằm đảm bảo việc xuất hóa đơn, chứng từ phù hợp với danh mục hàng hóa và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.