Bất động sản

Sáp nhập tỉnh thành, một phân khúc địa ốc tại TPHCM "lớn như Thánh Gióng"

Tại hội thảo hôm nay (17/7), bà Cao Thị Phi Vân - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) - nói sau khi hợp nhất, TPHCM có nền kinh tế đa trụ cột, với chuỗi giá trị nội vùng khép kín từ sản xuất, logistics, tài chính đến tiêu dùng và dịch vụ.

Cụ thể, TPHCM mới có năng lực lực tài chính, thương mại; có động lực công nghiệp tiên tiến từ Bình Dương (cũ) và hệ sinh thái logistics cảng biển, tiềm năng nông nghiệp, du lịch biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ).

Cấu trúc này mở ra không gian phát triển rộng lớn cho bất động sản công nghiệp. Mỗi khu vực trong thành phố mới được định hướng rõ ràng, phù hợp với thế mạnh sẵn có.

Sáp nhập tỉnh thành, một phân khúc địa ốc tại TPHCM lớn như Thánh Gióng - 1

TPHCM gia tăng quy mô khu công nghiệp, khu chế xuất sau sáp nhập (Ảnh: KCX Tân Thuận).

Làm rõ hơn, ông Trần Việt Hà - Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) - nói sau sáp nhập, TPHCM có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 27.000ha. Đến năm 2050, con số này dự kiến tăng lên 105 khu với diện tích hơn 49.000 ha, khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp hàng đầu quốc gia.

Giai đoạn 2025-2030, thành phố đặt mục tiêu thu hút đầu tư 20-21 tỷ USD vào bất động sản công nghiệp, với suất đầu tư bình quân 8-10 triệu USD/ha.

Ông cho biết sẽ tập trung ưu tiên 4 ngành công nghiệp chủ lực có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó là các ngành chiến lược như bán dẫn, AI, công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường, dữ liệu lớn và chuỗi khối.

Nhận định về sự thay đổi của ngành bất động sản công nghiệp tại TPHCM sau sáp nhập, ông Trần Việt Hà ví von "lớn nhanh như Thánh Gióng". Bởi với diện tích ban đầu khoảng 4.500ha, sau khi sáp nhập, TPHCM đã tăng diện tích lên hơn 27.000ha, gấp 6 lần.

Bà Phi Vân nhớ lại đúng một năm trước đây, nhà đầu tư nước ngoài đến TPHCM tìm khu công nghiệp 50ha nhưng không có đất, bà phải dẫn đoàn xuống Long An để gửi gắm. Bây giờ, bà Vân tự tin “không lắc đầu bất cứ dự án nào”, bởi điểm nghẽn về đất đai trong phát triển khu công nghiệp đã được tháo gỡ.

Tuy nhiên, đi cùng thuận lợi là thách thức. Bà Vân cho rằng 3 địa phương trước sáp nhập có xuất phát điểm khác nhau, cơ cấu quản trị, cách điều hành khác nhau... Vì vậy, nhu cầu đặt ra là cách quản trị vùng, phân bổ vốn đầu tư công hợp lý, quản lý đất đai và kết nối hạ tầng một cách đồng bộ... để tạo động lực phát triển.

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp và dịch vụ logistics, CBRE Việt Nam - nói hạ tầng được đẩy mạnh ở khu vực phía Nam là động lực phát triển bất động sản khu công nghiệp cho TPHCM và vùng phụ cận.

Những dự án hạ tầng lớn như đường Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành... sẽ gia tăng tính cạnh tranh của khu vực.

Theo số liệu của CBRE Việt Nam, trong nửa đầu năm, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của thị trường đất công nghiệp TPHCM và vùng phụ cận vẫn duy trì ổn định. Giá thuê trung bình đạt 179 USD/m2/kỳ hạn thuê với tỷ lệ lấp đầy đạt 89%.

Trong bối cảnh thị trường đất công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, phân khúc kho và xưởng xây sẵn tại miền Nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy khá tốt với những giao dịch lớn tiếp tục ghi nhận vào quý II. Phần lớn các giao dịch lớn đến từ các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong các ngành logistics và thương mại điện tử.

Các tin khác