Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia đề xuất nhiều ý kiến như tháo gỡ rào cản trong việc cấp phép mở công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, thúc đẩy sản phẩm mới như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết...
Tăng tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức
Thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến những pha tăng - giảm mạnh nhất thế giới. Ông Đỗ Bảo Ngọc - phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam - cho rằng điều này phần nào phản ánh đặc điểm một thị trường cận biên quy mô nhỏ, nhà đầu tư cá nhân chiếm đại đa số với 85-90% nên tâm lý dễ dao động.
Vì vậy, Việt Nam cần nâng quy mô tỉ trọng nhà đầu tư tổ chức lên 30-50% như nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay, số lượng mở mới công ty quản lý quỹ gần như "giậm chân tại chỗ".
Năm 2008, Việt Nam có 41 công ty quản lý quỹ, đến cuối 2023 chỉ có 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, theo Ủy ban Chứng khoán.
Để nâng tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức, ông Ngọc cho rằng cần cởi mở trong việc xem xét mở mới công ty quản lý quỹ. Việc nhiều tổ chức phải mua lại các công ty quản lý quỹ đã được cấp phép với giá cao sẽ là rào cản để thị trường này sôi động.
"Vấn đề nằm ở khâu cấp phép thì cần sớm xem xét lại, còn nếu đến từ yếu tố thị trường, cung - cầu thì cũng cần rà soát để tìm cách thúc đẩy", ông Ngọc nêu quan điểm.
Ông Vicente Nguyen - giám đốc quỹ đầu tư AFC Vietnam - cho biết hiện nay chủ yếu các quỹ đầu tư được thành lập ở nước ngoài và mở tài khoản đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư ngoại muốn vào Việt Nam để thành lập công ty quản lý quỹ, huy động và đầu tư thì hết sức khó khăn. "Nên hầu hết họ đều thông qua mua lại công ty quản lý quỹ đã được cấp phép hoặc liên doanh", ông Vicente Nguyen nói.
Để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, ông Vicente Nguyen - giám đốc quỹ đầu tư AFC Vietnam - cho rằng cần sớm cởi bỏ nút thắt yêu cầu ký quỹ, "room" khối ngoại, chuyển đổi ngoại tệ... Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp niêm yết cũng cần phải tự nâng lên để đáp ứng tiêu chuẩn kế toán tài chính quốc tế. "Ngoài tìm doanh nghiệp lợi nhuận tốt, công khai và minh bạch thông tin là yếu tố quan trọng để hút vốn ngoại", ông nói.
Ông Trần Thăng Long - giám đốc phân tích Chứng khoán BIDV - cũng nêu thực tế nhiều đơn vị khó khăn khi muốn mở công ty quản lý quỹ. "Nếu muốn tăng tỉ trọng nhà đầu tư tổ chức, hút được thêm vốn ngoại thì cần tháo gỡ được vấn đề này", ông Long nói.
Thị trường chứng khoán giai đoạn này đã rất khác so với giai đoạn 2007-2009 khi số lượng tài khoản nhà đầu tư chứng khoán đã tăng 20 lần, giá trị giao dịch bình quân trên HoSE tăng hơn 20 lần, vốn hóa tăng hơn 10 lần so với giai đoạn năm 2007. Do vậy theo chuyên gia, cách thức tiếp cận và quản lý thị trường cũng đòi hỏi khác trước rất nhiều.
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho hay cần có chính sách thuận lợi trong việc thành lập các công ty đầu tư chứng khoán. Luật chứng khoán và nghị định 155 đã quy định rõ về mô hình này, tuy nhiên đến nay công ty đầu tư chứng khoán vẫn còn xa lạ trên thị trường. "Với mô hình công ty đầu tư chứng khoán, thủ tục cấp phép nên cởi mở hơn so với công ty chứng khoán hoặc quản lý quỹ", ông Ngọc đề xuất.
Ông Ngọc cho biết các công ty đầu tư chứng khoán ngoài việc có thể đầu tư trên vốn tự có thì cũng có thể được phép nhận ủy thác đầu tư của khách hàng. Để giám sát mô hình này, Ủy ban Chứng khoán nhà nước có thể làm chặt chẽ điều kiện thành lập như quy mô vốn, giới hạn nhận ủy thác, điều kiện về cơ sở vật chất, chứng chỉ hành nghề...
Cũng theo ông, dù các môi giới nhận ủy thác đầu tư là hành vi bị cấm nhưng thời gian qua nhiều vụ việc bị xử lý cho thấy cung - cầu trong hoạt động ủy thác này vẫn có. Nếu loại hình công ty đầu tư chứng khoán được thúc đẩy rõ ràng sẽ tăng thêm tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức cùng với việc gia tăng thêm lựa chọn cho các khách hàng, giảm hình thức ủy thác "chui".
Học tập kinh nghiệm quốc tế
Tại hội nghị về thị trường chứng khoán mới diễn ra, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp là một trong các giải pháp trọng tâm của năm 2024.
Cơ quan này đưa ra nhiều giải pháp như sẽ nghiên cứu bổ sung quy định hướng dẫn chi tiết về quỹ chỉ số để tạo điều kiện phát triển loại hình quỹ mới này tại Việt Nam và phát triển quỹ hưu trí tự nguyện. Ngoài ra còn xem xét nghiên cứu xây dựng văn bản đối với các loại hình quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ, các loại chứng chỉ quỹ ETF phức hợp, quỹ của quỹ...
Ông Trần Thăng Long, giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV, cho rằng việc thúc đẩy các sản phẩm đầu tư là phù hợp, nhưng cần những chính sách ưu đãi và hành lang pháp lý rõ ràng.
Ông ví dụ như quỹ đầu tư hưu trí dù đã có nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều bên tham gia. "Sẽ rất khó để có nhiều bên tham gia khi chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn và các văn bản hướng dẫn nhận ưu đãi về thuế khi tham gia quỹ này cũng còn những vướng mắc", ông Long nói.
Ở các thị trường phát triển, mô hình quỹ hưu trí khá phổ biến bởi họ có những chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích người lao động tham gia. Theo quy định hiện hành, người lao động tham gia quỹ hưu trí được khấu trừ 1 triệu đồng/tháng cho thu nhập chịu thuế. Ông Long cho rằng đây là mức rất thấp và kém hấp dẫn người tham gia.
Một lời giải khác để thu hút các quỹ ngoại rót vốn vào Việt Nam, theo ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam, là cân nhắc áp dụng kinh nghiệm của thị trường Thái Lan trong việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).
Ông Minh cho biết giá trị giao dịch của NVDR chiếm hơn 21% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường và 40% giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài từ khi được áp dụng tại Thái Lan. "Do đó, việc nhanh chóng cho các doanh nghiệp phát hành NVDR có thể là việc nên ưu tiên trong giai đoạn tới", ông Nguyễn Thế Minh nêu quan điểm.
Ngoài ra theo ông Minh, làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ các quỹ truyền thống sang các quỹ ETF đã và đang tăng. Do vậy việc phát triển sản phẩm ETF tại Việt Nam là cần thiết để duy trì thanh khoản, giảm rủi ro biến động từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và hỗ trợ nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi.
Vốn hóa thị trường tương đương 63% GDP
Bà Vũ Thị Chân Phương, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết tính tới cuối tháng 2-2024 vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt gần 270 tỉ USD, tương đương 63% GDP năm 2023, với hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch. Số lượng nhà đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ với 7,4 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 7,2% dân số, vượt kế hoạch đề ra.
Nhà đầu tư tổ chức tăng bao nhiêu?
Theo số liệu Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, đến cuối tháng 2 có hơn 7,46 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân, tăng 5,3 triệu tài khoản so với đầu năm 2019.
Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài là 16.434 và 4.546 tài khoản, tăng lần lượt là 7.059 và 1.200 tài khoản so với đầu năm 2019. Đáng chú ý, trong tháng 2-2024, lượng tài khoản tổ chức nước ngoài giảm 11 tài khoản so với cuối tháng 1 liền trước.