Doanh nghiệp

Cơ chế nào để xử lý những vi phạm của các công ty kiểm toán? (Bài 2)

Ranh giới mập mờ giữa tắc trách và tính độc lập

Như đã trình bày ở phần 1, không chỉ nước ngoài và những bê bối tài chính trong nước được phanh phui thời gian gần đây đều có liên quan tới các công ty kiểm toán.

Các kiểm toán viên đã hành động thiếu liêm chính khi không trung thực hoặc cố tình gây hiểu lầm cho cơ quan quản lý.

Đầu năm 2022, KPMG đã phải xin lỗi về hành vi sai trái và đánh lừa cơ quan quản lý kế toán của Vương quốc Anh sau khi các cựu kiểm toán viên bị cáo buộc “giả mạo” liên quan đến các cuộc kiểm toán, bao gồm cả vụ kiểm toán của Carillion, nhà thầu lớn của Anh đã sụp đổ năm 2018.

Trao đổi với người viết, một người có nhiều năm trong lĩnh vực kiểm toán nói: "Ngoài các nguyên tắc được quy định trong điều 8 Luật kiểm toán độc lập 2011, các kiểm toán viên còn tuân theo một nguyên tắc ngầm định là nguyên tắc “cân bằng”, nghĩa là vừa thỏa mãn được các yêu cầu của ban lãnh đạo nhưng vừa bảo vệ được công ty kiểm toán và kiểm toán viên.

Với nguyên tắc “cân bằng" này, sự đúng đắn tuyệt đối là một bài toán khó của kiểm toán viên.

Thực tế, việc kiểm toán báo cáo tài chính cũng vấp phải nhiều rào cản. Chia sẻ thêm, vị này cho rằng: "Trong quá trình kiểm toán thì khâu lập kế hoạch với khách hàng mới gây khó khăn nhất để xác định liệu doanh nghiệp được kiểm toán có gian lận không.

Bởi khách hàng mới nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khiến kiểm toán viên chưa nắm rõ như khách hàng cũ. Bên cạnh đó, khách hàng mới dẫn tới phạm vi kiểm toán phải thực hiện sẽ lớn hơn rất nhiều nếu quá trình kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm dẫn tới cần mở rộng phạm vi thực hiện các thủ tục.

Ngoài ra, trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán do chưa ước lượng đầy đủ sự phức tạp và quy mô cần thực hiện nên chưa thể xác định liệu doanh nghiệp có gian lận hay không".

 Ảnh minh hoạ: Alex Chu. 

Hệ luỵ khôn lường

Việc tiếp tay làm đẹp sổ sách cho các doanh nghiệp đã tạo ra những rủi ro domino, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư trên thị trường tài chính những năm qua. 

Các đại án trong nước gần đây đều liên quan tới thị trường trái phiếu và cổ phiếu. Từ cáo buộc của nhà chức trách cho thấy sức ảnh hưởng của đơn vị kiểm toán trong các vụ án xảy ra tại Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát hay FLC Faros. Điều này đã làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hệ quả là, rủi ro rút vốn hoặc cản trở dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư lo ngại về tính minh bạch trên thị trường tài chính.

Thực tế có thể thấy, mỗi khi vụ việc xảy ra, thị trường chứng khoán đều rơi vào cảnh giảm sâu, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu và nhiều lần cơ quan chức năng phải lên tiếng trấn an nhà đầu tư. Còn thị trường trái phiếu rơi vào cảnh "đóng băng" năm 2022 - 2023, gây tắc nghẽn dòng vốn, đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản. 

Thiệt hại về kinh tế có thể cân đo, nhưng xa hơn những hệ lụy để lại ở phương diện quản trị và phát triển kinh tế đất nước là không hề nhỏ.

Giải pháp nào để tăng tính răn đe?

Để bảo vệ quyền lợi của mình, ở những quốc gia khác, không thiếu vụ việc nhà đầu tư khởi kiện, yêu cầu các công ty kiểm toán phải bồi thường sau khi các đơn vị này cố tình tiếp tay hoặc làm lơ trước các dấu hiệu cảnh báo về rủi ro tiềm tàng của doanh nghiệp.

Thông tin từ Reuters năm 2018 cho biết Công ty Kiểm toán PwC phải bồi thường thiệt hại 625,3 triệu USD cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ vì đã không phát hiện ra hành vi gian lận dẫn đến một trong những vụ phá sản ngân hàng lớn nhất (Colonial Bank) trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tại Việt Nam, trách nhiệm pháp lý của các công ty kiểm toán thiên về xử lý trách nhiệm hành chính như phạt tiền hay rút giấy phép hành nghề với đối với kiểm toán viên. 

Vấn đề được đặt ra liệu có cần cơ chế nặng tay hơn với việc vi phạm của các công ty kiểm toán và giải pháp nào để tăng tính sự độc lập, khách quan của đơn vị kiểm toán khi mọi cơ chế giám sát đều dễ dẫn tới xung đột lợi ích. 

Chia sẻ với người viết, Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM làm rõ thêm: "Ở đại án Ngân hàng Xây dựng, tôi cùng các luật sư - bào chữa cho ông Phạm Công Danh - đã 5 lần 7 lượt làm kiến nghị và tại phiên toà cũng yêu cầu hội đồng xét xử phải triệu tập đại diện công ty kiểm toán và kiểm toán viên có mặt nhưng không có sự xuất hiện nào của các cá nhân liên quan.  

Cơ quan toà án có triệu tập nhưng câu trả lời của công ty kiểm toán và cơ sở pháp lý để làm rõ hơn theo yêu cầu của các luật sư vẫn chưa rõ ràng, đầy đủ, chưa có đủ công cụ pháp lý để hội đồng xét xử, viện kiểm soát triệu tập lên làm việc, giải trình.

Cùng lắm các đơn vị này này có văn bản trả lời theo đúng quy định pháp luật và đúng như tài liệu, chứng cứ. Cho nên rất khó để cơ quan chức năng có hình thức xử lý nếu có các sai sót trong báo cáo kiểm toán đối với kiểm toán viên hay công ty kiểm toán." 

"Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, việc xem xét trách nhiệm của kiểm toán viên cũng không còn là câu chuyện xa vời. Cơ quan chức năng đã thay đổi nhận thức, đây là việc đáng mừng. Điển hình nhất là trong vụ của ông Trịnh Văn Quyết có ba kiểm toán viên bị bắt. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước ba kiểm toán viên bị khởi tố.

Qua câu chuyện đó, có thể thấy trách nhiệm của kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần phải có sự giám sát và xem xét về cả trách nhiệm dân sự và hình sự. 

Kiểm toán là một dịch vụ, công ty có thu tiền và trước tiên các công ty phải làm đúng theo quy định pháp luật. Nếu làm sai, phản ánh thực trạng không đúng của doanh nghiệp hay làm sai các trình tự, thủ tục, nếu có hậu quả sẽ phải xử lý. Trong một vụ án hình sự, tôi cho rằng ở góc nhìn nào đó, hội đồng xét xử có thể xem xét ở góc độ dân sự như nghĩa vụ bồi thường của công ty kiểm toán cho các bị hại.

Những người bị hại hoặc có quyền và nghĩa vụ liên quan,… có quyền khởi kiện công ty kiểm toán yêu cầu bồi thường thiệt hại", Luật sư Hà Hải nêu quan điểm.

 

Theo thông lệ quốc tế, các công ty kiểm toán đương nhiên được hiểu là hoạt động độc lập, khách quan và tuân thủ theo quy định pháp luật. Đó là nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.

Bản thân kiểm toán viên và công ty kiểm toán khi hành nghề phải tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp và không cần ai giám sát. Đây là một ngành nghề kinh doanh đặc biệt.

Với pháp nhân là công ty kiểm toán, nếu kiểm toán viên của công ty mà làm sai, gây thiệt hại thì phải có nghĩa vụ bồi thường theo quy định pháp luật. Điều này còn phục thuộc vào cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng họ có làm hay không và làm tới mức nào.

Luật sư Hà Hải - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM

Luật sư Hà Hải cũng cho biết thêm: "Việc thực hiện kiểm toán một báo cáo, chi phí có thể chỉ vài trăm triệu hoặc vài tỷ nhưng thiệt hại có thể lên tới con số trăm, nghìn tỷ đồng. Vậy câu hỏi đặt ra là các đơn vị này sẽ lấy tiền ở đâu để bồi thường. Đây là một vấn đề của các nhà làm luật cần suy xét về việc ký quỹ của các công ty kiểm toán để có thể bồi thường tức thì".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm