Công ty Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) ghi nhận sản lượng hàng hóa 105.800 tấn trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng hơn 41%. Động lực chính đến từ khách nước ngoài khi hàng quốc tế chiếm gần 77.500 tấn, tăng 46% so với cùng kỳ (hàng quốc nội tăng hơn 29%).
Đà bứt phá này của SCS có sự đóng góp lớn từ khách hàng mới là Qatar Airways. Đây là một khách hàng lớn của Công ty Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) nhưng đang dịch chuyển do TCS quá tải công suất và không có quỹ đất để mở rộng.
Khách hàng "sộp" này bắt đầu đàm phán chuyển sang dùng dịch vụ của SCS từ năm 2022 và chính thức sử dụng dịch vụ mới từ tháng 2 năm nay. Qatar Airways có thể đóng góp thêm 25% sản lượng và 25-30% lợi nhuận cho SCS.
Chứng khoán DSC đánh giá sự tăng trưởng của SCS đến từ sự phục hồi của nền kinh tế, khủng hoảng biển Đỏ làm chuyển dịch một lượng hàng hóa sang vận tải hàng không và sự mở rộng đường bay quốc tế của khách hàng mới Qatar Airways.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) có kỳ vọng lớn vào thị trường quốc tế. Lãnh đạo ACV nói khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng cao để bù đắp một phần lượng khách quốc nội giảm sâu.
CEO Vũ Thế Phiệt cho biết khách quốc tế đã dần hồi phục và phấn đầu tăng trưởng vượt trước dịch. Ông Phiệt kỳ vọng quý III-IV sẽ đón nhiều khách Trung Quốc hơn để góp phần đưa khách quốc tế tăng.
Xuất khẩu cũng là động lực tăng trưởng của Vinamilk (Mã: VNM). SSI Research ước tính doanh thu quốc tế của công ty sữa đầu ngành đạt mức tăng 20% trong 5 tháng đầu năm, trong khi thị trường nội địa chỉ tăng 3% so với cùng kỳ.
Đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng của công ty sẽ tiếp diễn trong quý II và kỳ vọng kết quả doanh thu tốt hơn trong quý III (mùa bán hàng cao điểm) khi tâm lý người tiêu dùng dần hồi phục.
Vinamilk là nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam. Hiện 80% doanh thu vẫn đến từ nội địa và doanh nghiệp đang nổ lực để mở rộng thị trường xuất khẩu sang khoảng 50 quốc gia như Trung Quốc, Canada, Australia, Campuchia, Iraq, Philippines...
KBSV kỳ vọng doanh thu xuất khẩu của Vinamilk sẽ tăng trưởng tích cực hơn khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu hồi phục cùng việc liên tục mở rộng tiềm kiếm các thị trường tiềm năng tại Nam Mỹ, châu Phi cũng góp phần tăng trưởng.
Các chi nhánh nước ngoài tại Campuchia và Mỹ cũng đều ghi nhận tăng trưởng tích cực nhờ cải thiện vị thế thương hiệu và gia tăng giá trị cho người tiêu dùng.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Thép Nam Kim (Mã: NKG) cũng có sự tăng trưởng vượt bậc về sản lượng xuất khẩu theo xu hướng chung của ngành. Sản lượng tôn mạ xuất khẩu quý đầu năm đạt hơn 172.000 tấn, tăng trưởng 65% với thị trường tiêu thụ chủ yếu tại châu Âu và Bắc Mỹ.
Chứng khoán DSC nhận thấy động lực tăng trưởng của Nam Kim nhờ các thị trường xuất khẩu chính đồng loạt nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ từ thị trường bất động sản, giá thép Việt Nam thấp hơn đáng kể tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Các chuyên gia kỳ vọng sản lượng tôn mạ xuất khẩu của Nam Kim sẽ tăng trưởng 24% trong năm nay đạt 640.000 tấn, tiến sát tới mức kỷ lục của năm 2021.
Nhóm phân tích MBS tương tự đánh giá xuất khẩu thép là điểm sáng của Nam Kim khi nhu cầu từ các đối tác chính tại Asean, EU, Mỹ phục hồi trong bối cảnh nới lỏng chính sách tiền tệ. Công ty sẽ hưởng lợi khi riêng EU và Mỹ đã chiếm đến 60% sản lượng xuất khẩu.
Công ty Cổ phần Phú Tài (Mã: PTB) được kỳ vọng sẽ có điểm sáng ở mảng xuất khẩu gỗ khi đang chứng kiến sự phục hồi tốt. Trong tháng 4, công ty bán ra thị trường nước ngoài gần 10,6 triệu USD (tăng 4% so với cùng kỳ) nhờ một số mặt hàng chủ lực như bàn ghế gỗ ngoài trời và nội thất phòng ngủ.
Chứng khoán BIDV cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong phần còn lại của năm 2024 khi nhu cầu nội thất hồi phục. công ty phân phối Wayfair tại Mỹ cho biết mức chi tiêu cho các sản phẩm sofa, bàn ghế, tủ và đồ nội thất có xu hướng tăng trở lại từ tháng 5.
Theo đó, đơn vị phân tích kỳ vọng mảng xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Phú Tài sẽ tăng trưởng 19% trong năm nay, nhất là khi hàng tồn kho nội thất tại Mỹ đã giảm mạnh so với đỉnh giai đoạn cuối 2023.