Video các cửa hàng dày đặc hàng hóa có dấu hiệu là hàng nhập lậu tại phố Ngọc Hân Công Chúa, TP. Bắc Ninh . |
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong , tại cửa hàng tiện lợi (China Market) số 29, cửa hàng tiện lợi (Mei Yi Jia) số 39 và siêu thị (Yi Jie) số 55 cùng nằm trên đường Ngọc Hân Công Chúa, TP. Bắc Ninh đang bày bán hàng nghìn sản phẩm in chữ Trung Quốc có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem phụ bằng tiếng Việt. Khó có thể tìm được sản phẩm đầy đủ gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ tại cả 3 cửa hàng này.
Cụ thể, siêu thị (Yi Jie) số 55, diện tích khoảng hơn 100m2 bày bán nhiều chủng loại, từ bánh mì, xúc xích đến bông gòn y tế, thuốc siro ho… đều không có bất cứ thông tin tiếng Việt trên vỏ, hộp. Đặc biệt, mặt hàng đắt đỏ như rượu có giá trị từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng cũng được bày bán theo dãy dài. Từ chai không hộp, đến chai được đóng hộp cũng chỉ toàn là chữ Trung Quốc . Nổi bật, có loại rượu in chữ Moutai (Mao Đài) đang được siêu thị bán với giá 12 triệu đồng/chai.
Trong vai người mua hàng, khi PV nói muốn được tư vấn loại rượu đắt tiền để “tặng sếp người Đài Loan”, nữ nhân viên (mặc áo khoác có in chữ tiếng Trung) cầm chai rượu "Mao Đài" và tỏ ra lúng túng bởi không biết tiếng Trung, trong khi vỏ hộp không có nhãn phụ tiếng Việt: “Giá cao nhất là 12 triệu. Em cũng không biết là rượu gì. Bọn em chỉ toàn nhìn ngoài thôi chứ không biết đâu. Em cũng chả biết tư vấn như nào”.
Khi PV yêu cầu được nhân viên biết về rượu tư vấn, một nữ nhân viên khác từ quầy thanh toán đi tới giới thiệu thêm về loại rượu Mao Đài này. PV tỏ ra băn khoăn khi vỏ chai rượu không có nhãn tiếng Việt, nữ nhân viên này nói: “Dạ vâng. Đây là hàng nội địa chắc 100%. Bọn em chỉ biết tư vấn cho anh loại nào khách người Việt hoặc người Trung người ta hay đi mua tặng thôi”. Nữ nhân viên cho biết thêm, tại siêu thị có tới mấy trăm loại rượu.
Ghi nhận tại cửa hàng tiện lợi China Market số 29, có 2 tầng với diện tích hàng trăm m2 cho thấy, địa điểm này như một "thủ phủ" hàng hóa Trung Quốc, và hầu hết các mặt hàng đều không có bất cứ thông tin tiếng Việt nào trên bao bì.
Khu vực tầng 1, siêu thị này bày bán đầy ắp các kệ như bánh kẹo Tết, đồ ăn vặt, nhu yếu phẩm đến các loại thuốc. Khu vực kệ bán thuốc, có tới hàng trăm loại khác nhau được bày bán. Không nhãn phụ tiếng Việt, không được phân loại, kệ không dán thông tin, các loại thuốc bày lộn xộn, đến khách hàng người Trung Quốc cũng khó để tìm.
Đáng nói, theo tìm hiểu của phóng viên, trên vỏ hộp nhiều loại thuốc có chỉ định sử dụng theo sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ. Đơn cử, loại thuốc viên nang cứng cefixim 100 mg ghi: “Hãy đọc kỹ hướng dẫn và sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ” bằng tiếng Trung. Bên cạnh đó, nhiều hộp thuốc có dấu hiệu cũ, vỏ hộp dập, hở.
Khu vực tầng 2, các sản phẩm dầu gội đầu, sữa tắm, xà phòng, kem đánh răng,… có thương hiệu nổi tiếng như Clear, Lux, Romano, Colgate…, thông tin cũng thuần tuý tiếng Trung.
Tương tự, tình trạng cả nghìn sản phẩm gồm thực phẩm đóng gói và rượu in chữ nước ngoài không có nhãn phụ tiếng Việt cũng được bày bán tại cửa hàng tiện lợi (Mei Yi Jia) số 39.
Trong 3 cửa hàng bán hàng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt (dấu hiệu không phải hàng nhập khẩu chính ngạch) trên đường Ngọc Hân Công Chúa, TP. Bắc Ninh nêu trên, phóng viên ghi nhận tại khu vực đối diện quầy thanh toán cửa hàng tiện lợi (China Market) số 29, có treo tấm Giấy khen của Chủ tịch UBND TP. Bắc Ninh tặng hộ bà Nguyễn Thị Thuỷ số 27 đường Ngọc Hân Công Chúa, phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh đã thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế năm 2022.
Sau khi ghi nhận thực trạng như trên, PV Tiền Phong đã phản ánh đến các cơ quan chức năng. Tiếp nhận phản ánh, ngày 5/1/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh Bùi Thị Liên có địa chỉ tại: số 53 đường Ngọc Hân Công Chúa (trên biển hiệu ghi số 55, nhưng thực tế thẩm tra là số 53), phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Căn cứ kết quả kiểm tra, kết quả thẩm tra xác minh và ý kiến trình bày của chủ hộ kinh doanh, Đoàn kiểm tra xác định hộ kinh doanh Bùi Thị Liên đã có hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm. Tang vật vi phạm là thực phẩm do Trung Quốc sản xuất gồm: 43 chai rượu các loại và 10 chai Xì dầu; 20 gói Đậu phụ sốt xì dầu XINRONGYUAN, loại 108g/gói. Trị giá tang vật vi phạm theo giá niêm yết là: 48.290.000 đồng (Bốn mươi tám triệu, hai trăm chín mươi nghìn đồng).
Căn cứ tờ trình vụ việc vượt thẩm quyền của Đội Quản lý thị trường số 3, sau khi thẩm định hồ sơ, ngày 17/01/2024 Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 62000015/QĐ-XPHC đối với hộ kinh doanh Bùi Thị Liên, số tiền phạt 30.000.000 đồng, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính trị giá 48.290.000 đồng.
Bà Bùi Thị Liên là chủ hộ kinh doanh vi phạm đã ký nhận và thi hành toàn bộ Quyết định xử phạt (nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước Bắc Ninh và thực hiện buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm dưới sự giám sát của cơ quan chức năng).
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, ngày 23/1, vẫn chưa có kết quả kiểm tra đối với hộ kinh doanh cửa hàng tiện lợi (China Market) số 29, cửa hàng tiện lợi (Mei Yi Jia) số 39 như báo Tiền Phong phản ánh.
Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa quy định: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.