Siggi's, thương hiệu sữa chua nổi tiếng của Iceland, tổ chức cuộc thi có tên "Dry January" dành cho người dùng tại Mỹ. Người tham gia cần đủ 18 tuổi và có thể đăng ký miễn phí đến ngày 31/1.
Để tham gia, người chơi viết một bài luận ngắn từ 100 đến 500 từ giải thích lý do muốn "cai nghiện kỹ thuật số" và lợi ích khi làm điều này là gì. 10 người được chọn sẽ nhận tấm séc trị giá 10.000 USD (246 triệu đồng) và bước vào thử thách cuối cùng. Họ được đưa một chiếc hộp kèm chìa khóa để cất smartphone trong một tháng. Những người này cũng được cung cấp một điện thoại cơ bản kèm sim và gói gọi điện, nhắn tin trả trước để liên lạc. Trong thời gian thử thách, nếu vi phạm quy tắc về sử dụng smartphone, người chơi sẽ bị thu hồi số tiền và các vật dụng đã cung cấp.
Đây không phải lần đầu cuộc thi cai nghiện smartphone được thực hiện. Hồi năm 2018, công ty Vitamin Water khởi xướng cuộc thi vào tháng 2/2019 với sự tham gia của 100.000 người. Tuy nhiên, theo CNN, hầu hết đã bỏ cuộc. Người vượt qua thử thách này là Elana Mugdan, nhà văn tự do 29 tuổi, sống tại New York, và nhận được 100.000 USD.
Hiện nhiều người trở nên phụ thuộc vào smartphone. Theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins Caufiels & Byers (Mỹ) năm 2022, trung bình một người mở khóa điện thoại 150 lần mỗi ngày. Dữ liệu khác từ SecurEnvoy chỉ ra 66% dân số thế giới có dấu hiệu mắc chứng nomophobia (sợ hãi khi thiếu vắng điện thoại); 74% người Mỹ thấy khó chịu khi để điện thoại ở nhà và 46% nói không thể sống thiếu điện thoại.
Theo CNBC, ngoài lãng phí thời gian, người dùng điện thoại liên tục cũng dễ có tâm lý mệt mỏi. Một số nghiên cứu chỉ ra mạng xã hội có thể gây hại sức khỏe tinh thần, khiến nhiều người rơi vào trạng thái tiêu cực. Chẳng hạn, nghiên cứu của Đại học Ben-Gurion (Israel) năm 2017 cho thấy sau ba tháng sử dụng điện thoại liên tục, người dùng thường gặp vấn đề về suy giảm tư duy logic và khả năng thích ứng với xã hội.