Nói với PetaPixel, McCarthy cho biết ông bắt đầu chụp ảnh từ 12/12/2023, mỗi ngày dành khoảng 30 phút đầu giờ chiều. "Lúc đó, các luồng không khí di chuyển và tạo ra chỉ số khúc xạ phù hợp, nhờ đó cải thiện độ rõ nét và độ ổn định của các chi tiết nhỏ khi nhìn qua bầu khí quyển", ông giải thích.
Cũng theo nhiếp ảnh gia, 100.000 ảnh riêng lẻ được chia ra thành 40 ô, mỗi ô chứa từ 2.000 đến 3.000 bức. Với lượng dữ liệu khổng lồ, ông chỉ có thể sắp xếp chúng bằng máy tính bằng một phương pháp riêng.
"Tôi sử dụng phương pháp gọi là drizzling để ghép ảnh, trong đó phần mềm cố gắng xác định dữ liệu giữa các pixel để mô phỏng độ dài tiêu cự cao hơn. Độ phân giải sẽ tăng lên rất nhiều nếu ảnh có chất lượng đủ cao và quá trình này cần hệ thống máy tính đủ mạnh", McCarthy nói. "Sau khi phần mềm xếp chồng ảnh lên nhau, tôi sẽ ghép chúng lại bằng tay thành tác phẩm cuối cùng".
Trong ảnh được McCarthy chia sẻ trên nền tảng EasyZoom, người dùng có thể phóng to đến mức thấy các luồng không khí và dòng dung nham trên Mặt Trời.
Để chụp các bức ảnh, McCarthy sử dụng kính thiên văn AR127, chân kính thiên văn EQ6-R Pro, bộ lọc màu sắc khí quyển Baader D-ERF và Daystar Quark, bộ hiệu chỉnh phân tán khí quyển ZWO ADC và máy ảnh ASI174M dùng cảm biến CMOS của Sony. Hệ thống này hiện có giá hàng chục nghìn USD.
Ngoài ảnh Mặt Trời, McCarthy cũng chụp nhiều ảnh thiên văn và chia sẻ trên mạng xã hội. Tài khoản Instagram, X , Facebook của ông hiện thu hút hàng chục nghìn lượt thích và theo dõi.