Công nghệ

Thách thức về blockchain doanh nghiệp cần đối mặt

"10 năm là quãng thời gian đủ lâu để tạo ra những biến động lớn trong ngành công nghệ, nhưng để đầu tư vào con người và chuyển đổi xã hội thì cần nhiều thời gian hơnthế", bà Vân Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain chia sẻ chia sẻ tại Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam" diễn ra ngày 5/8 tại Tòa nhà Quốc hội, Hà Nội.

Khi chưa có đủ người am tường về công nghệ chuỗi khối, doanh nghiệp Việt chưa thể xây dựng các hệ thống quy mô lớn như nước ngoài. Nhưng ngay cả ở Mỹ, tình trạng thiếu nhân lực vẫn còn là vấn đề gây đau đầu cho các nhà tuyển dụng. Thống kê từ mạng xã hội tìm việc LinkedIn cho thấy các từ khóa "blockchain" trong tin tuyển dụng ở Mỹ đã tăng đến 615% từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021.

Thách thức thứ hai đến từ việc thiếu những nhà cung cấp cơ sở hạ tầng. Các nhóm ở Việt Nam thường xuyên tập trung phát triển ứng dụng thay vì phát triển nền tảng blockchain. Một số doanh nghiệp không chuyên về công nghệ hoặc thiếu nhân sự sẽ gặp khó khăn nếu muốn bước chân vào thị trường này do không có những nền tảng sẵn có để họ tham gia xây dựng. Quá trình chuyển đổi từ hệ thống tập trung sang hệ thống phi tập trung đòi hỏi rất nhiều công đoạn, tiêu tốn thời gian, tiền bạc và sức người. Nhưng không phải công ty nào cũng chấp nhận rủi ro lớn như vậy.

Hiệp hội Blockchain được thành lập hồi tháng 5. Ảnh:

Hiệp hội Blockchain được thành lập hồi tháng 5. Ảnh: VBA

Theo CB Insights, trên thế giới có một số nền tảng blockchain để các doanh nghiệp có thể sử dụng, trong số đó, Hyperledger Fabric là mạng blockchain công khai được ưa thích nhất với 26% doanh nghiệp sử dụng, tiếp theo là Ethereum chiếm 18% và sau đó mới tới Quorum chiếm 11%.

Ngoài việc thiếu cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc về chính sách, do chưa có khung pháp lý cụ thể về những vấn đề xung quanh công nghệ blockchain như huy động vốn, tài sản ảo... vốn là mối quan tâm chung của các doanh nghiệp. Theo một khảo sát của công ty kiểm toán Deloitte, có đến 63% doanh nghiệp ở Mỹ cho rằng khuôn khổ pháp lý là rào cản khiến họ còn e ngại trong việc ứng dụng blockchain, dù Mỹ là quốc gia có thái độ cởi mở với blockchain và các bang ở Mỹ đã tích cực tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp bước vào thị trường này.

Nhưng thách thức lớn nhất có lẽ nằm ở mức độ sẵn sàng về kỹ năng công nghệ thông tin của người Việt Nam nhìn chung vẫn còn hạn chế. Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain nhận định, nguyên nhân là do chưa có những hoạt động phổ cập, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân và thói quen sử dụng công nghệ của phần lớn người Việt vẫn còn tùy tiện.

Tuy blockchain có ưu điểm là tính bảo mật cao, khó bị hack, nhưng nhược điểm của công nghệ này là không thể khôi phục dữ liệu cá nhân một khi người dùng quên mất khóa riêng tư (private key) để mở tài khoản. Nếu blockchain được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, mỗi người dân phải tự chịu trách nhiệm cho dữ liệu của mình. Điều đó đòi hỏi người dân cần nâng cao nhận thức để bảo vệ dữ liệu cá nhân một cách an toàn, tránh rơi vào tình trạng quên mật khẩu hay tiết lộ khóa riêng tư cho người khác.

"Ở Việt Nam vẫn còn thiếu những chương trình phổ cập kiến thức để thay đổi thói quen tương tác với công nghệ của người dân. Xã hội số cần công dân số. Blockchain chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi con người biết cách làm chủ công nghệ và sử dụng đúng cách", bà Vân Hiền chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm