Thời sự

Cuộc đào tẩu sinh tử

Tin lời đường mật

Ngồi thất thểu tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Đa Phước (huyện An Phú), em Đ.T.N.D (20 tuổi, ngụ tỉnh Cao Bằng) - một nạn nhân vừa thoát khỏi “địa ngục trần gian” bàng hoàng kể: “Ba năm trước, em sang Bắc Ninh làm công nhân nhưng tiền lương không đủ sống; hơn nữa, do em bị mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh không thể làm được công việc nặng. Sau đó, em lên Facebook thấy có thông tin tuyển dụng cần người làm công việc nhẹ, chỉ làm việc trên máy tính, lương thấp nhất 25 triệu đồng/tháng. Rồi vợ chồng em được người môi giới hướng dẫn đến nơi làm việc. Tuy nhiên, đi xe suốt 2 ngày em mới biết bị đưa sang Campuchia”.

D. cho biết, “công việc nhẹ” mà người môi giới nói là làm việc trong casino. Tại đây, D. được giao nhiệm vụ dùng nick ảo để mời gọi người khác tham gia game hẹn hò, dụ dỗ họ nạp tiền. Nếu không đạt chỉ tiêu 300 triệu đồng/tháng, D. sẽ bị dọa đưa lên tầng 8 của casino chích điện.

Sang Campuchia đánh máy vi tính, lương 800 - 900 USD/tháng theo lời rủ rê của bạn bè, anh N.T.H (27 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) cũng vỡ mộng. Anh H kể: “Tháng 6 năm nay, tôi theo bạn bè đi “chui” sang Campuchia và được đưa vào một casino làm việc. Từ xưa giờ mình sống ngay thẳng, không lừa gạt ai. Nhưng ở đây, tụi nó bắt tôi lên mạng lừa đảo người khác. Nếu không làm hoặc làm không đạt chỉ tiêu sẽ bị lôi ra đánh đập, giam cầm, lấy roi điện chích vào người, đi làm còn khổ hơn ở tù”.

Tiếp lời, anh N.Đ.H. (29 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) nói trong sợ hãi: “Về được Việt Nam tôi mừng lắm như được thoát khỏi “địa ngục trần gian” vậy. Bên đó, có lần tôi không lên mạng lừa đảo người ta nạp tiền đủ chỉ tiêu thì bị quản lý còng 2 tay 2 chân, bắt ngồi trên ghế, rồi ba người đứng xung quanh chích điện vào người tôi đau đớn vô cùng”.

Không những thế, làm việc cật lực, mỗi ngày 13 - 14 giờ nhưng liên tiếp 4 tháng chẳng thấy đồng lương, do bọn chúng tìm cách bắt lỗi người lao động để trừ dần. “Đi vệ sinh trễ một giây bị trừ 20 USD, đi trễ trừ 50 USD và cứ 6 tuần không đạt chỉ tiêu trừ 200 USD”, anh N.Đ.H nói.

Cuộc đào tẩu sinh tử - Ảnh 1.

Nhóm lao động được chính quyền tỉnh An Giang chăm lo chỗ ăn nghỉ để ổn định lại tinh thần

Cuộc đào tẩu kinh hoàng

Không chịu nổi việc bị bóc lột sức lao động và những trận tra tấn dã man như thời trung cổ, nhóm của anh N.Đ.H bàn với nhau tìm cách trốn chạy về quê hương.

“Tôi nghĩ thà chết ở quê nhà, chứ không thể bỏ xác nơi xứ người nên bàn với cả nhóm trốn. Mỗi ngày chúng tôi đều quan sát để nắm rõ lịch làm việc của bảo vệ, chờ thời cơ thích hợp là hành động”, anh N.Đ.H cho biết.

Căn cứ vào lời khai của các nạn nhân và tài liệu chứng cứ thu thập được, chiều 20/8, Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (40 tuổi) cùng ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Theo Công an tỉnh An Giang, trong số 40 người trốn khỏi casino ở Campuchia bơi qua sông Bình Di về Việt Nam, có 6 người được Lệ và Danh đưa sang trước đó.

Sau khi thống nhất ngày giờ với nhau, khoảng 9h ngày 18/8 vào làm được khoảng một lúc, nhóm lao động quan sát thấy bảo vệ casino không cảnh giác nên ra hiệu cho nhau đồng loạt xông ra.

Nhóm thanh niên cao lớn, khoẻ mạnh lao vào tấn công các bảo vệ nhằm phá vòng vây, tạo cơ hội cho nhóm phụ nữ, thanh niên ốm yếu bỏ chạy. “Chúng tôi còn cầm theo bom xăng ném chặn đường bọn chúng nhằm cản đường để các đồng hương thoát thân”, một người trong nhóm kể.

Em P.T.M.T (22 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) kể trong sợ hãi: “Thấy tụi em chạy, tụi nó lấy đá ném. Lúc đó, trong nhóm có 7 - 8 người không biết bơi nhưng vẫn liều mạng nhảy xuống sông. Nước thì chảy xiết, người nào bơi giỏi thì kèm người không biết bơi, đua đeo nhau để thoát thân. Lúc đó em nghĩ, con sông này như lằn ranh sinh tử, cố mà bơi qua mới có cơ hội sống sót”.

Thấy đồng bào mình chấp chới dưới dòng nước, thời điểm đó, nhiều hộ dân đã lấy ghe chạy ra tiếp ứng. Đồng thời báo cho lực lượng biên phòng hỗ trợ. Qua đó, đã kịp thời cứu được 40 người. Tuy nhiên, trong cuộc chạy trốn hoảng loạn, một thiếu niên 16 tuổi (ngụ tỉnh Gia Lai) đã không may bị nước cuốn trôi và tử vong. Còn 1 thanh niên khác trong nhóm lao động bị bảo vệ casino ném đá trúng bất tỉnh và bị bắt lại dùng gậy tra tấn.

Được biết, nhóm lao động nói trên là các thanh niên khoảng 20 đến hơn 30 tuổi, quê ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Hiện, ngành chức năng tỉnh An Giang đã bố trí cho họ ở tạm tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Đa Phước, chăm lo chỗ nghỉ, ăn uống để ổn định lại tinh thần. Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang, công an tỉnh này cũng đã lấy thông tin nhân thân của nhóm lao động để có sự hỗ trợ cần thiết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã có văn bản báo cáo vụ 42 lao động tháo chạy khỏi casino Campuchia đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao. Đồng thời, chỉ đạo công an tỉnh phối hợp với ngành chức năng, mở rộng điều tra vụ việc.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm