Cả năm chỉ mong đến Tết để được về nhà
Gần 8 năm học tập và sinh sống ở Hà Nội, năm nào Lê Anh (26 tuổi, quê Nghệ An) cũng luôn mong đến Tết Nguyên đán để được đoàn viên với gia đình. "Gia đình tôi có 4 chị em nên Tết đến là vui như hội. Lớn lên, mấy chị em tôi đều đi học, đi làm xa nên chỉ còn bố mẹ ở nhà. Nhà cũng buồn đi đôi chút. Vậy nên chỉ có dịp Tết là khoảng thời gian dài nhất để có thể về nhà quây quần bên bố mẹ", chị nói.
Sau 4 năm học Đại học, chị quyết định ở lại Hà Nội làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Do khoảng cách địa lý, cùng khối lượng công việc lớn nên số lần về quê của chị trong năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tết dẫu có bận đến đâu chị cũng luôn gác lại tất cả để đón chuyến xe về quê từ ngày 23 tháng Chạp.
"Tôi luôn cố gắng hoàn thiện công việc để có thể xin sếp về sớm nhằm có thêm thời gian dành cho gia đình. Cứ đến khoảng thời gian đó, tôi lại háo hức đếm ngược từng ngày. Cận Tết bố mẹ cũng gọi điện liên tục hỏi bao giờ mới về. Có lẽ cả năm tôi có thể dành nhiều thời gian cho những chuyến du lịch song chuyến đi quý giá nhất vẫn là đi về nhà. Dẫu bạn bè xung quanh 'lên kèo' đi du lịch dịp này tôi đều từ chối", Lê Anh tâm sự.
Cũng háo hức về quê đón Tết, Thu Phương (23 tuổi, Hải Dương) đã đặt vé tàu chiều Hà Nội - Hải Dương ngay từ bây giờ. "Đi làm xa nhà không mong gì, tôi chỉ mong đến Tết để được về quê dài ngày. Quê tôi không phải quá xa nhưng với cường độ công việc cao nên đến cuối tuần tôi gần như sập nguồn", chị nói.
Đối với Phương không khí trước Tết vẫn làm chị háo hức. Chỉ khoảng 28 Tết tất cả các thành viên trong gia đình chị sẽ quây quần để gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa. "Với tôi cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, đón giao thừa là cảm giác tuyệt vời nhất", chị chia sẻ thêm.
Không phải cứ ở nhà mới là đón Tết
3 năm trở lại đây Huỳnh Hân (30 tuổi, Hà Nội) luôn chọn đón Giao thừa ở một điểm đến mà chị yêu thích. Kế hoạch năm nay của Hân là được xem bắn pháo hoa tại thành phố biển Nha Trang. "Là con út trong gia đình đông anh chị em nên bố mẹ tôi không quan trọng vấn đề phải ăn Tết ở nhà. Theo tôi, không phải cứ có mặt ở nhà mới là đón Tết. Với sự hỗ trợ của công nghệ, năm nào đến Giao thừa tôi cũng gọi video về cho bố mẹ để cập nhật tình hình không khí đón xuân ở nơi tôi đến du lịch", chị giải thích.
Thêm nữa chị cho biết nguyên nhân của việc thích đón Tết xa nhà là để không bị áp lực với những câu hỏi quen thuộc của họ hàng như lương thưởng, kế hoạch lập gia đình...
Hân dự định sẽ cùng mẹ sắm Tết trong ngày 28. Sau đó chị sẽ có chuyến bay vào đúng 29 tháng Chạp đến Nha Trang. Chị dự tính sẽ ở lại đây nghỉ dưỡng khoảng 3 ngày sau đó sẽ di chuyển đến Phú Quốc và trở lại Hà Nội vào ngày 6 Tết. "Với tính chất công việc của tôi nếu đi vào ngày trong năm cũng khó có thể tách rời được chiếc laptop. Chỉ vào dịp Tết như này tôi mới thực sự có những chuyến nghỉ dưỡng đúng nghĩa", Huỳnh Hân nói.
Tương tự như Hân, năm nay cả 4 thành viên gia đình chị Trang Linh (34 tuổi, TP.HCM sẽ đón Tết ở Phú Quốc. Chị cho biết sau khi hoàn tất việc sắm sửa lễ Tết ở cả 2 bên nội ngoại, chiều 30 Tết cả gia đình sẽ lên máy bay để đón Tết ở "nơi xa". "Trong năm, các con đi học, vợ chồng tôi cũng đi làm nên khó có thể sắp xếp được những chuyến đi đông đủ như thế này. Chúng tôi chỉ mong chờ đến Tết để có chuyến đi nghỉ dưỡng cùng nhau", chị Linh nói.
10 năm nay (trừ 2 năm ảnh hưởng của Covid-19), gia đình chị chủ yếu đón Tết ở những điểm đến du lịch. Chị cho biết trước đây đón Tết ở nhà chị cảm thấy áp lực và mệt mỏi khi phải lo đủ thứ từ sắm Tết đến nấu cỗ, rửa bát. Theo thời gian chị dần sợ Tết. "Cả một năm làm việc mệt mỏi nên chỉ mong đến Tết để được nghỉ ngơi. Tuy nhiên tôi chỉ quanh quẩn ở nhà cơm, nước. Thấy gia đình một vài người bạn cũng thường đi du lịch xuyên Tết để giải tỏa áp lực, tôi cũng áp dụng và vẫn duy trì thói quen này trong suốt 10 năm", chị chia sẻ.
Theo quan điểm của Trang Linh, đón Tết ở đâu không quan trọng, điều quan trọng là bạn cảm thấy hạnh phúc và phù hợp với gia đình mình.