Xã hội

Tên phường mới Xuân Hòa, Bàn Cờ, Nhiêu Lộc ở quận 3 có ý nghĩa gì?

Tóm tắt:
  • UBND TP.HCM quyết định sáp nhập phường, xã trên toàn thành phố, trong đó quận 3 còn 3 phường: Bàn Cờ, Xuân Hòa, Nhiêu Lộc.
  • Phường Xuân Hòa có từ năm 1880, rộng hơn 2,2 km², dân số hơn 48.000, có giá trị kiến trúc và di tích lịch sử.
  • Phường Bàn Cờ từng là căn cứ cách mạng quan trọng, góp phần thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống Mỹ.
  • Phường Nhiêu Lộc có lịch sử liên quan đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến thủy nội địa lâu đời của TP.HCM.
  • Các khu vực này đều mang ý nghĩa lịch sử, kiến trúc và phát triển gắn liền với quá trình xây dựng TP.HCM hiện đại.

Nếu như cái tên Bàn Cờ và Nhiêu Lộc tương đối quen thuộc với đa số người dân vì liên tưởng đến chợ Bàn Cờ hay dòng kênh Nhiêu Lộc thì tên Xuân Hòa ít được biết đến hơn.

Địa danh Xuân Hòa có từ năm 1880

UBND quận 3 cho biết ranh giới phường Xuân Hòa gồm phường Võ Thị Sáu hiện hữu và thêm một phần nhỏ thuộc khu phố 3 của phường 4. Sau sáp nhập, phường Xuân Hòa rộng hơn 2,2 km2, dân số hơn 48.000 người.

Về địa danh Xuân Hòa, UBND quận 3 lý giải ngày xưa vùng Tân Định có 2 làng, gồm làng Phú Hòa (hiện thuộc quận 1, nay còn tồn tại di tích đình Phú Hòa trên đường Trần Quang Khải) và làng Xuân Hòa (hiện thuộc quận 3, nay còn tồn tại di tích đình Xuân Hòa trên đường Lý Chính Thắng).

Tên phường mới Xuân Hòa, Bàn Cờ, Nhiêu Lộc ở quận 3 có ý nghĩa gì?- Ảnh 1.

Quận 3 sáp nhập còn 3 phường, lấy tên là Bàn Cờ, Xuân Hòa và Nhiêu Lộc

ẢNH: UBND QUẬN 3

Địa danh Xuân Hòa có từ năm 1880 sau khi một số xã thôn theo địa bàn lập năm 1836 của triều Nguyễn bị xóa bỏ và thay bằng một số tên thôn, xã mới. Theo đó, thôn Tân Định đổi thành thôn Xuân Hòa thuộc tổng Bình Chánh Thượng, địa hạt 20.

Đình Tân Định cũng đổi tên là đình Xuân Hòa cho đến nay. Đình được xây theo hướng tây, nhìn ra bờ sông Nhiêu Lộc, rất thuận tiện cho việc lưu thông đường sông thời bấy giờ.

Tên phường mới Xuân Hòa, Bàn Cờ, Nhiêu Lộc ở quận 3 có ý nghĩa gì?- Ảnh 2.

Đình Xuân Hòa trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ngoài giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, mỗi hiện vật là một tác phẩm chạm khắc có giá trị mỹ thuật cao, quý hiếm và có niên đại từ 100 đến 200 năm.

Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu nêu trên, đình Xuân Hòa đã được UBND TP.HCM xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2003.

Bàn Cờ - vùng lõm chính trị

Tại quận 3, phường Bàn Cờ được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 phường 1, 2, 3, 4, 5. Phường Bàn Cờ rộng gần 1 km2, dân số hơn 67.600 người.

Về lý do chọn tên địa danh, UBND quận 3 cho biết trong suốt 2 cuộc kháng chiến, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, vùng Bàn Cờ được chọn làm nơi đặt trụ sở của một số cơ quan cách mạng. Nhân dân và lực lượng vũ trang Bàn Cờ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng miền nam, thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến, xóm Bàn Cờ là khu dân nghèo, nhà cửa san sát với 52 hẻm ngang dọc trên một diện tích khoảng 15 ha giống như hình bàn cờ. Những đặc điểm này khiến cho Bàn Cờ trở thành vùng "căn cứ lõm" để các chiến sĩ cách mạng miền Nam ẩn náu và hoạt động.

Tên phường mới Xuân Hòa, Bàn Cờ, Nhiêu Lộc ở quận 3 có ý nghĩa gì?- Ảnh 3.

Chợ Bàn Cờ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Một trong những căn cứ quan trọng của vùng Bàn Cờ là cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ đặt tại số 51/10/14 Cao Thắng. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của các lãnh đạo, cán bộ xứ ủy để chỉ đạo phong trào đấu tranh trong thành phố. Cơ sở Ban Tuyên huấn xứ ủy Nam bộ được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1988.

Căn cứ quan trọng thứ hai là địa chỉ đỏ của Thành Đoàn tại số 115 Bàn Cờ. Nơi đây là sở chỉ huy của 5 khu vực khởi nghĩa ở nội thành và chỉ huy trực tiếp khu vực Ngã Bảy - Bàn Cờ - Vườn Chuối vào sáng 30.4.1975.

Đây cũng là nơi tiếp quản đầu tiên, điều hành, xử lý mọi việc như thu gom vũ khí, phát động đồng bào xóa cờ ngụy quyền, hướng dẫn may cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ gìn an ninh trật tự suốt ngày và đêm 30.4 đến sáng 1.5.1975.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân và lực lượng vũ trang quận 3 - vùng lõm chính trị, căn cứ cách mạng Bàn Cờ đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015.

Kênh Nhiêu Lộc - tuyến đường thủy xưa nhất TP.HCM

Phường thứ 3 tại quận 3 là phường Nhiêu Lộc, được sáp nhập từ các phường 9, 11, 12, 14. Phường Nhiêu Lộc rộng hơn 1,7 km2, dân số hơn 88.000 người.

Về lịch sử vùng đất, UBND quận 3 cho biết địa bàn 4 phường nêu trên thuộc bờ bắc và bờ nam kênh Nhiêu Lộc. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là tuyến đường thủy xưa nhất của thành phố trong thời kỳ mở cõi của các chúa Nguyễn.

Tên gọi địa danh xuất hiện vào đầu thế kỷ 18. Kênh này chảy từ thượng nguồn đến địa bàn quận 3 mang tên Nhiêu Lộc. Từ quận 3 qua quận 1, Bình Thạnh đến hạ nguồn đổ ra sông Sài Gòn mang tên Thị Nghè.

Tên phường mới Xuân Hòa, Bàn Cờ, Nhiêu Lộc ở quận 3 có ý nghĩa gì?- Ảnh 4.

Giải đua ghe ngo trên kênh Nhiêu Lộc do UBND quận 3 tổ chức năm 2024

ẢNH: THÁI PHÚC

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xưa kia không chỉ là dòng chảy tự nhiên thoát nước ra sông Sài Gòn mà còn là phòng tuyến quân sự ngăn ngoại xâm. Khu vực này được lập thành Lũy Bán Bích. Lũy này được dựng từ chùa Cây Mai chạy qua Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bảo vệ phía tây và phía bắc của Sài Gòn, hợp cùng rạch Bến Nghé và Thị Nghè tạo thành một vành đai phòng thủ cho Sài Gòn.

Kênh Nhiêu Lộc ngày nay không chỉ là thành quả, nỗ lực cải tạo môi trường mà còn là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của TP.HCM sau 50 năm hòa bình và phát triển, trở thành biểu tượng tiêu biểu cho quá trình phát triển, mang lại sức sống mới cho đô thị hiện đại, đáng sống, hướng đến tương lai xanh - sạch - bền vững.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước cao bất thường

Trong khi giá vàng thế giới quay đầu giảm thì trong nước giá kim loại quý tăng phi mã và đang đắt hơn giá thế giới gần 16 triệu đồng/lượng. Đây là hiện tượng bất thường mà hơn 1 năm rồi mới lặp lại.