Lên đời xe mới, xe cũ bán thanh lý
Trong tài liệu chuẩn bị họp đại hội cổ đông của Vinasun sắp tổ chức ngày 24-4, công ty này sẽ đổi mới chiến lược kinh doanh, tập trung thay đổi dàn xe mới hướng khác biệt với đối thủ trong ngành. Vinasun sẽ mua 700 xe mới. Thay vì mua xe xăng hoặc ô tô điện, Vinasun chọn xe động cơ lai xăng và điện (hybrid).
Nói về lý do từ chối xe điện, ban lãnh đạo công ty cho rằng hiện nay điều kiện cơ sở hạ tầng, hệ thống trạm sạc chưa hoàn chỉnh.
Do đó, hybrid là sự lựa chọn phù hợp. Các mẫu taxi mới sẽ khai thác theo phương thức tự đầu tư hoặc thuê vận hành. Ngoài ra, công ty cũng muốn nghiên cứu dự án xin thí điểm triển khai xe điện ba bánh.
Theo Vinasun, taxi điện chỉ là một phương tiện chứ không phải mô hình kinh doanh mới. Công ty cần tính toán đến chi phí pin, thời gian chờ sạc pin, chi phí cơ hội đối với việc vận hành xe điện.
Bất chấp trào lưu xe điện, ông Hồ Huy, chủ tịch HĐQT taxi Mai Linh, cho biết đang phối hợp với hãng Toyota để mua 10.000 xe, trong vòng 5 năm kể từ năm 2023. Hàng trăm xe mới lần lượt gia nhập vào đội xe của hãng theo từng đợt.
Với các xe cũ, đại diện Vinasun cho biết sẽ thanh lý và bán trả chậm cho các tài xế khoảng 500 chiếc. Nếu thành công, tổng số lượng taxi đến cuối năm nay sẽ là 2.790 chiếc, tăng 200 chiếc so với cùng kỳ ngoái.
Thay đổi của taxi truyền thống là cần thiết và cần nhanh hơn nữa. Năm 2014, ngành taxi bị đảo lộn khi xuất hiện mô hình taxi công nghệ gia nhập thị trường Việt Nam, cạnh tranh khốc liệt.
Sự có mặt của các hãng công nghệ đã nhanh chóng đẩy cuộc đua tranh thị phần vận tải taxi trở nên gay gắt, đặc biệt là ở Hà Nội, TP.HCM và 6 tỉnh thành khác. Chưa dừng ở đó, taxi điện Xanh SM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng xuất hiện, lượng ô tô "của nhà trồng được" nhanh chóng gia tăng thị phần, buộc các hãng taxi càng nhanh chóng thay đổi, ít nhất là phương tiện mới.
Taxi có cải tiến, khách sẽ quay trở lại
Sức "công phá" của app công nghệ mới hôm nào khiến thị trường vận tải của taxi truyền thống bị chao đảo. Hai ông lớn trong ngành như Vinasun, Mai Linh cũng trầy trật hoạt động cầm cự. Và khi chính taxi truyền thống tìm cách thay đổi về cách thức hoạt động, đa dạng tiện ích thanh toán thì lại tìm ra đường sống.
Chị Thùy Trang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ gọi taxi và xe công nghệ khá linh hoạt, giúp chị tiết kiệm nhiều chi phí đi lại. Taxi công nghệ như Grab, Be chưa chắc đã rẻ, có thời điểm giá cao gấp đôi so với taxi truyền thống. Có thể nhận ra điều này là đặt xe vào khung giờ cao điểm. Trên app taxi truyền thống, giá ổn định hơn, còn app xe công nghệ "nhảy múa" với lý do nhu cầu đi lại khung giờ cao điểm. "Taxi truyền thống đăng ký giá cước với cơ quan chức năng, giá cả không tăng bất chợt như xe công nghệ" - chị Trang nói.
Nhiều khách hàng cũng thừa nhận đã quay trở lại với taxi truyền thống thay vì đặt xe công nghệ vì giá cước cao bất thường, nhất là khi xuất hiện cụm từ "giá xăng tăng", rồi lại xuất hiện hàng loạt phụ phí như giờ cao điểm, thời tiết xấu... dù không đúng thực tế.
Khi công ty đầu tư xe mới, nhiều tài xế là nhân viên của hãng xe vui vẻ khi cầm lái xe mới vận hành ổn định, khách bớt than thở đi taxi "xe cũ, xe hôi".
Lãnh đạo Vinasun xác định "cuộc chơi mới" trong thời gian tới. Cốt lõi giữ phương thức kinh doanh truyền thống nhưng chú trọng phát triển công nghệ phần mềm và mở rộng mảng kinh doanh thương quyền.
Taxi chuyển đổi xanh, cần hỗ trợ từ chính sách
Theo ông Nguyễn Công Hùng - chủ tịch Hiệp Hội Taxi Hà Nội, taxi đang trong xu hướng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện hoặc xe hybrid. Đây là xu hướng chung không thể đảo ngược khi Việt Nam cam kết từ năm 2040 sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô chạy bằng xăng dầu.
Ông phân tích xe cá nhân chạy bằng điện có thể sạc pin ban đêm, sử dụng cho ngày hôm sau. Còn taxi hoạt động 24/7, quãng đường di chuyển dài, phải dừng, đỗ, đón trả khách tại nhiều địa điểm trong một ngày, dẫn đến cần nạp năng lượng nhiều lần và tại nhiều địa điểm. Do đó, thúc đẩy taxi đổi mới cần hỗ trợ Nhà nước từ xe xăng sang xe điện như vốn vay, giảm thuế phí...