Sáng nay (23/4), Công ty cổ phần Vincom Retail (Mã: VRE) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Tính đến 9h00, có 7 cổ đông tham dự trực tiếp và 107 cổ đông ủy quyền chiếm 65,79% tổng số phiếu biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Bà Thái Thị Thanh Hải xin phép đại hội vắng mặt. Bà Trần Mai Hoa giữ vai trò chủ tọa đại hội. Sau phần kiểm tra tư cách cổ đông, bà Trần Mai Hoa khai mạc đại hội.
Kế hoạch doanh thu 9.500 tỷ đồng
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng, nhích nhẹ 11 tỷ so với kết quả cao của năm 2023.
Năm ngoái, công ty bất động sản bán lẻ này ghi nhận 9.791 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 4.409 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.
Về phương án phân phối lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế trên Báo cáo tài chính hợp nhất đến thời điểm 31/12/2023 là 16.476 tỷ đồng. HĐQT trình cổ đông phê duyệt việc giữ toàn bộ lợi nhuận để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vincom Retail đang vận hành 83 trung tâm thương mại tọa lạc tại các vị trí trung tâm trên khắp 44 tỉnh thành của Việt Nam với diện tích sàn 1,75 triệu m2. Theo thống kê từ VCSC, tổng số trung tâm thương mại của Vincom Retail đã vượt qua các công ty cùng ngành ở Đông Nam Á như SM Prime, Central Pattana, AEON, Pakuwon Jati, Parkson và Lotte.
Năm nay, Vincom Retail dự kiến sẽ khai trương thêm 6 trung tâm thương mại với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 1171.000 m2, giữ vững vị thế là nhà phát triển bất động sản bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam với 89 trung tâm thương mại.
Nhân sự mới tham gia hội đồng quản trị
Về công tác nhân sự, theo tài liệu họp, Vincom Retail sẽ tiến hành miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là bà Thái Thị Thanh Hải và bà Lê Mai Lan; đồng thời bầu bổ sung ông Nguyễn Hoài Nam làm thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2023-2028.
Ông Nam sinh năm 1970, hiện là Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam - một chi nhánh của tập đoàn đa ngành Berjaya Corporation Berhad thuộc Malaysia. Doanh nhân này còn đang là Chủ tịch HĐQT các công ty Truyền thông và Đầu tư Nam Hương, Đầu tư Kinh doanh NP, Chứng khoán Sài Gòn Berjaya; đồng thời là Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công ty TNHH JVA Thành phố Hồ Chí Minh (Jeep Việt Nam).
Chiến lược phát triển mô hình du lịch kết hợp mua sắm
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo công ty, v
Vincom Retail tập trung phát triển Mega Mall trong các khu đô thị đông dân cư. Đây là sản phẩm tạo động lực tăng trưởng cho cty trong tương lai. Với vị trí đắc địa, công ty áp dụng chiến lược marketing phủ rộng, TTTM Vincom là điểm đến thu hút các thương hiệu quốc tế khi đến Việt Nam hay muốn mở rộng chuỗi, và là điểm đến yêu thích của khách hàng. Bên cạnh đó, VRE cũng hướng đến việc phát triển mô hình du lịch kết hợp mua sắm.
Sau phần đọc tờ trình, đại hội bước vào phần thảo luận. Cổ đông đặt các câu hỏi ban lãnh đạo liên quan đến chiến lược phát triển và tình hình kinh doanh tại các trung tâm thương mại trong chuỗi của Vincom Retail.
Bà Phạm Thị Thu Hiền: Mức độ hồi phục của thị trường bán lẻ phụ thuộc vào nền kinh tế chung và mức độ chi tiêu của khách hàng. Bối cảnh nhiều thách thức, khách hàng thắt chặt chi tiêu, doanh thu của khách thuê giảm. Tỷ lệ lấp đầy dự kiến vẫn tăng do tỷ lệ lấp đầy mới cao kéo theo cả hệ thống. Khách thuê thanh lý có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với năm 2023.
Bà Trần Mai Hoa: Về xu hướng bán lẻ tương lai, giám đốc bán lẻ của Foody về đầu quân cho công ty. Tỷ lệ khách lớn bán lẻ chuyên nghiệp tham gia trên nền tảng online mức độ không cao. Tổng doanh số bán lẻ so với mức tổng của khách là không cao, đâu đó 5%. Chi phí để bán hàng trên nền tảng online không rẻ, có những khách hàng trả tới 35%.
Tôi cho rằng các khách thuê của trung tâm thương mại sẽ đánh giá về các kênh bán hàng.
Thói quen của người Việt Nam rất đặc biệt. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia Đông Nam Á phát triển bán lẻ qua trung tâm thương mại. Thói quen được cảm nhận, cả gia đình đều tham gia vào hoạt động mua sắm. Đó là lý do vì sao các nhà bán lẻ vẫn đang phát triển và có kế hoạch đầu tư mở mới.
Mô hình nào của Vincom Retail được đánh giá là phù hợp?
Bà Trần Mai Hoa: Lý do VRE chọn 4 mô hình với 3 mô hình chủ đạo (Vincom Megamall, Vincom Center, Vincom Plaza). Không có gì hoàn hảo cho một khách hàng. Mỗi mô hình có một sự phù hợp. Vincom Megamall phù hợp với những đại đô thị, quy mô lớn. Vincom Plaza phù hợp với quy mô của các tỉnh, trung tâm thương mại không chỉ là điểm đến mà còn là cộng đồng cho doanh nghiệp tỉnh, là "sân chơi" cho nhiều đối tượng khách hàng. Mỗi mô hình có định vị và tệp khách hàng riêng.
Vai trò của những cổ đông mới?
Bà Trần Mai Hoa: Cổ đông mới có kinh nghiệm bán lẻ và có mô hình bán lẻ. Các anh đã thành công mặc dù chưa làm mall. Chúng tôi tin rằng kinh nghiệm của anh Nam có được về bán lẻ sẽ đóng góp.
Vì sao kế hoạch lợi nhuận năm 2024 không tăng? Kết quả kinh doanh quý I? Có kế hoạch đổi tên không?
Bà Phạm Thị Ngọc Hà: Về kết quả kinh doanh năm 2024, doanh thu dự kiến 2.250 tỷ đồng, doanh thu tiền thuê chiếm 80 - 84%. Doanh thu quý I tăng trưởng 16% nhờ bàn giao một số căn shophouse ở Đông Hà Quảng Trị, hỗ trợ tăng trưởng. Lãi sau thuế hơn 1.080 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước, dự kiến đạt 24 - 25% kế hoạch.
Về việc chi trả cổ tức, công ty có kế hoạch chi trả liên quan đến khoản vay khoảng 4.000 tỷ đồng năm 2024 - 2025. Công ty có lưới dự án khoảng 800 nghìn mét vuông, công ty cần 10.000 tỷ để phát triển.
Bà Trần Mai Hoa: VRE đã gắn bó và tồn tại với người dân Hà Nội 20 năm. Cái tên là niềm tự hào để có hệ thống trung tâm thương mại hôm nay. Rất nhiều khách hàng của VRE có được cảm xúc về một thương hiệu kể từ khi Vincom Bà Triệu khai trương cách đây 20 năm. 20 năm có nhiều thăng trầm, nhiều khó khăn, bài học trả bằng rất nhiều giá. Việc có giữ được chữ "Vincom" sẽ nằm trong thỏa thuận sau này, chúng tôi sẽ thông báo với quý cổ đông.
Bà Phạm Thị Thu Hiền: Đến thời điểm này chúng tôi khẳng định không có ý định đổi tên.