Nêu khó khăn tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam và thế giới với chủ đề: "Nhận diện kinh tế quý I: Mở lối cho kinh tế cả năm” diễn ra ngày 22/4, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho biết, dù đơn hàng đã quay trở lại nhưng do gặp một số khó khăn, thách thức nên khả năng tối đa hóa lợi nhuận xuống thấp.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2023, khó khăn nhất với ngành dệt may là giá xuất khẩu giảm 20 - 30%, thậm chí có đơn hàng giảm tới 60%. Rất mừng, từ quý I, dù mức giá xuất khẩu chưa được như mong muốn nhưng đơn hàng khá dồi dào, nhiều doanh nghiệp ký đơn hàng đến quý III.
“Doanh nghiệp dệt may chuyển từ trạng thái 'cái gì cũng làm' sang trạng thái có lựa chọn nên ký hay không, ký bao nhiêu, không ký nhiều quá trong điều kiện giá vẫn còn thấp...”, ông Cẩm chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết ngành dệt may đang phải đối mặt với những yêu cầu thay đổi lớn từ các thị trường như thị trường Liên minh châu Âu (EU) đưa ra yêu cầu về thời trang bền vững, bắt đầu từ thiết kế sinh thái, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dệt may bền vững, thậm chí thải bỏ cũng phải bền vững tức là phải tái chế lại được.
Ngay cả với hàng tồn kho, các thị trường lớn cũng yêu cầu phải tái chế lại chứ không tự tiện sử dụng như trước đây. Nhiều nhãn hàng đưa ra yêu cầu từ nay đến năm 2030 phải sử dụng 30% năng lượng tái tạo trong sản xuất, đến năm 2050 con số này phải là 100%; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải có lộ trình thực hiện đến năm 2050.
“Nếu doanh nghiệp không làm được điện áp mái thì phải mua tín chỉ carbon,… điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp”, ông Cẩm quan ngại,
Tương tự, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trước đây, ngành gỗ được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, xuất khẩu nhiều, tạo ra nhiều công ăn việc làm, phần giá trị gia tăng người Việt Nam được hưởng cao hơn các ngành khác.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp gỗ đang gặp một số khó khăn, thách thức nên khả năng tối đa hóa lợi nhuận của ngành gỗ xuống thấp. Trên thực tế, Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng chế biến và cung ứng sản phẩm gỗ cho các thị trường lớn. Do đó, Mỹ thường xuyên khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ từ Việt Nam.
Ngoài ra, quy định về phòng cháy, chữa cháy cũng làm khó các doanh nghiệp gỗ, thậm chí một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì không đáp ứng được quy định.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vẫn liệt kê sản phẩm gỗ vào nhóm sản phẩm rủi ro cao và phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau, truy xuất nguồn gốc đến từng hộ nông dân trồng rừng. “Nếu chậm hoàn thuế, coi như doanh nghiệp bị giam 10% giá trị xuất khẩu, không còn vốn để tái đầu tư sản xuất, khiến doanh nghiệp vừa mất thời gian chờ đợi, vừa mệt mỏi”, ông Hoài nêu rõ.
Doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất khá cao
Ngoài những khó khăn kể trên, TS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần hạ lãi suất cơ bản và mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh song nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất khá cao, chỉ những doanh nghiệp thật sự tốt mới được vay lãi suất thấp từ 5 - 6% vốn ngắn hạn, còn doanh nghiệp thông thường cũng phải vay với lãi suất 7 – 8,5% trong ngắn hạn, thậm chí 9 – 10% đối với vốn trung - dài hạn.
“Nếu lấy lãi suất thực cho vay hiện nay trên thị trường trừ đi lạm phát vẫn còn khá cao, khoảng 3,5 – 4%”, ông Hòe tính toán.
Trong bối cảnh đó, tỷ giá tăng khiến chi phí đẩy (nguyên liệu đầu vào) cũng sẽ tăng và tiền lương bắt đầu cải thiện cũng như hiệu ứng tâm lý vẫn còn (lạm phát kỳ vọng) … sẽ là những yếu tố làm tăng lãi suất.
“Các ngân hàng muốn gia tăng dòng tiền sẽ phải kích thích bằng cách tăng lãi suất tiền gửi khoảng 0,5 – 0,8%/năm; trong khi còn lãi suất cho vay chỉ nhích nhẹ hơn lãi suất huy động do cầu tín dụng còn yếu”, ông Hòe nêu rõ.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừacũng không thể tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng do không có tài sản thế chấp.
Vì vậy, ông Hòe đề nghị sử dụng 20.000 tỷ đồng từ gói lãi suất 40.000 tỷ đồng (gói hỗ trợ bù lãi suất 2%) không giải ngân được để thành lập Quỹ bảo lãnh cho các DNVVV. Quỹ này ở tầm quốc gia và phải đổi mới tư duy, tức là thay vì cho vay bằng tài sản đảm thì căn cứ vào chấm điểm dự án để cho DNNVV vay bằng tín chấp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tính toán thay đổi về mức lạm phát mục tiêu (4 - 4,5%) lên mức cao hơn khoảng 5% (trong trường hợp cần thiết) để tạo dư địa cho chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
"Nếu như lạm phát của Việt Nam ở mức tăng 5 - 5,5% mà tăng trưởng GDP ở mức 7 - 8% thì tốt hơn nhiều lần với mức lạm phát giữ ở mức 4% - 4,5%", ông Hòe nêu rõ.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, không có nước nào có chu kỳ kinh tế ngắn như Việt Nam, chỉ có 10 năm/lần. Còn Trung Quốc từ năm 1978 tăng trưởng trên 14 - 15% và tăng trưởng liên tục như vậy, mãi đến năm vừa rồi thì mới bắt đầu suy giảm. Hay Nhật Bản có chu kỳ tăng trưởng kinh tế liên tục trong hơn 30 năm nhờ các chính sách ở tầm vĩ mô điều hành của Chính phủ.
"Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nếu chính sách hỗ trợ vẫn đi theo khung an toàn thì không thể có đột phá thì nền kinh tế cũng chỉ bình bình như thế thôi", ông Hòe nhìn nhận.