Tài chính

Ghìm cương tỉ giá bằng lãi suất?

Ảnh minh họa bằng công nghệ AI - Thực hiện: T.ĐẠT

Ảnh minh họa bằng công nghệ AI - Thực hiện: T.ĐẠT

Ngày 22-4, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 24.272 đồng/USD, tăng 12 đồng/USD so với cuối tuần qua và tăng 166 đồng nếu tính từ giữa tháng 4 đến nay. Giá bán USD niêm yết tại nhiều ngân hàng tiếp tục ở mức trần 25.485 đồng/USD.

Lãi suất tiền gửi có thực âm?

Với tỉ giá tăng liên tục từ đầu năm đến nay, người giữ tiền đồng không khỏi sốt ruột. Bà Trần Thị Thư (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết với 2 tỉ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng được 4,5%/năm, trong khi tỉ giá đã tăng 4,9%, chưa kể giá vàng tăng lên trên 80 triệu đồng/lượng mà thấy lo.

Vì với tiền nhàn rỗi, việc gửi tiết kiệm là an toàn nhất. Nhưng hơn 10 năm nay, chưa bao giờ lãi suất tiền gửi lại giảm sâu như vậy. Còn tỉ giá, giá vàng lại nóng từng ngày. So với mức tăng của tỉ giá, rõ ràng người giữ tiền đồng đang bị thiệt.

"Tôi mong lãi suất tiết kiệm tăng lên để người gửi tiền còn thấy có chút sinh lợi. Như mức lãi suất hiện tại quá thấp, gửi một năm mới được 4,5%/năm, còn gửi 6 - 11 tháng chỉ được trả quanh mức 3%/năm", bà Trần Thị Thư tâm tư.

Ông N.V.K. (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết rất sốt ruột khi thấy giá vàng tăng từng ngày nhưng vẫn chưa dám mua. Trong lúc tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, giá vàng cả trong nước và thế giới tăng - giảm liên tục nhưng tăng là chủ yếu.

"Nên tiếp tục gửi tiết kiệm hay giữ vàng? Nhưng gửi tiết kiệm mà lãi suất quá thấp cũng buồn. Vì so với mức tăng của tỉ giá và vàng từ đầu năm đến nay thì giữ tiền VND thấy rất sốt ruột", ông N.V.K. băn khoăn.

Với biến động của tỉ giá, liệu người gửi tiền tiết kiệm có bị lãi suất thực âm hay không? Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Châu Đình Linh, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng việc so sánh giữa lãi suất VND với mức tăng của tỉ giá là không hoàn toàn hợp lý.

Theo ông Linh, tiết kiệm không phải là kênh đầu tư mà thông thường là để bảo toàn vốn và có sinh lời một chút. Trong hai năm nay, theo chủ trương của Chính phủ, để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, ngành ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay ở mức phù hợp, kéo theo giảm lãi suất đầu vào.

Nhằm ghìm cương tỉ giá, theo các chuyên gia kinh tế, việc NHNN bán ngoại tệ để can thiệp ra thị trường ngoại tệ là cần thiết nhưng chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt. Trong khi đó, về lãi suất, NHNN vẫn đảm bảo điều hành lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

"Nhưng lãi suất tiền gửi vẫn thực dương, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Đây là bài toán vô cùng khó. Để giải bài toán này, quan điểm điều hành chung mà NHNN đưa ra rất đúng đắn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát", một chuyên gia nói.

Tổng hợp: BÌNH KHÁNH - Đồ họa: T.ĐẠT

Tổng hợp: BÌNH KHÁNH - Đồ họa: T.ĐẠT

Giá USD vẫn nóng

Ngày 22-4, tỉ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 24.272 đồng/USD, tăng 12 đồng/USD so với cuối tuần qua và tăng 166 đồng nếu tính từ giữa tháng 4 đến nay.

Cùng ngày, giá bán USD niêm yết tại nhiều ngân hàng tiếp tục ở mức trần 25.485 đồng/USD dù NHNN đã tung ngoại tệ ra để can thiệp thị trường.

VietinBank niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần 25.485 đồng/USD, nhưng giá mua USD giảm 25 đồng/USD, về mức 25.160 đồng/USD.

ACB cũng niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần 25.485 đồng/USD, giá mua chuyển khoản 25.240 đồng/USD. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp VietinBank và ACB niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần.

Trong khi đó, Vietcombank cũng niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần trong ngày thứ 2 liên tiếp. Sau nhiều ngày niêm yết giá bán USD ở mức sát trần, chiều 22-4 giá bán USD niêm yết tại Eximbank ở mức 25.485 đồng/USD, mua vào 25.240 đồng/USD.

Tại thị trường tự do, giá bán USD ở mức 25.825 đồng/USD, giảm 5 đồng ở chiều bán. Giá mua vào tăng 15 đồng, ở mức 25.745 đồng/USD.

Khác với những năm trước, tỉ giá USD/VND liên tục chịu áp lực tăng trong những tháng đầu năm nay.

Tại họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng trong quý 1 được tổ chức vào cuối tuần trước, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tỉ giá USD từ đầu năm đến nay đã tăng tới 4,9%.

Để hạ nhiệt tỉ giá, từ ngày 19-4, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp thị trường với giá bằng với giá bán ra niêm yết tại Sở giao dịch NHNN. Ngày 22-4, Sở giao dịch NHNN niêm yết giá bán USD ở mức 25.450 đồng/USD, thấp hơn 35 đồng/USD so với giá bán USD tại các ngân hàng.

Việc tỉ giá đã tăng khoảng 5% từ đầu năm đến nay khiến các doanh nghiệp nhập khẩu "méo mặt". Ông Nguyễn Thái Linh, tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn, cho hay cùng với tỉ giá tăng, giá cả hàng hóa và chi phí vận chuyển cũng "tát nước theo mưa" vì giá xăng dầu tăng nên tính ra giá thành sẽ tăng khoảng 10%.

Đầu năm nay, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng nguyên tắc với các đầu mối lớn nên không thể tăng giá ngay mà phải chờ 3-4 tháng sau mới có thể làm văn bản xin điều chỉnh giá.

Tuy nhiên theo ông Linh, nguồn cung USD vẫn dồi dào và khi L/C đến hạn thanh toán, ngân hàng vẫn bán USD cho doanh nghiệp với giá niêm yết tại thời điểm thanh toán (hiện nay là giá trần) mà không cộng thêm chi phí ngoài.

Giám đốc một công ty thép có trụ sở tại TP.HCM cho biết cũng đang "đau đầu" khi giá USD tăng. "Giá USD tăng nhưng giá hàng hóa không thể tăng do sức mua yếu. Doanh nghiệp chủ yếu bán lượng hàng tồn kho từ năm ngoái chứ không dám nhập thêm vì giá tăng. Với tình hình này, doanh nghiệp đã khó lại càng khó thêm", ông nói.

Khách hàng giao dịch tại Techcombank, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khách hàng giao dịch tại Techcombank, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vừa ổn tỉ giá, vừa lãi suất thấp: khó

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI), cho rằng việc NHNN bán USD để can thiệp thị trường từ ngày 19-4 chỉ mới là bước thăm dò phản ứng thị trường. Giải pháp có hiệu quả hay không, tự thị trường sẽ phát tín hiệu.

Tuy nhiên theo ông Minh, bán USD sẽ hạ nhiệt được tỉ giá nếu thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ đơn thuần do yếu tố mùa vụ và xuất nhập khẩu, trong khi sức ép tỉ giá hiện nay đến từ nhiều yếu tố phức tạp hơn.

Theo đó, không loại trừ khả năng vốn chuyển từ trong nước ra nước ngoài để hưởng lãi suất cao hơn. Bởi đồng VND duy trì lãi suất thấp kỷ lục trong 20 năm trở lại đây, trong khi đồng USD neo cao.

"Về lý thuyết, dòng tiền luôn di chuyển từ nơi có lãi suất thấp đến nơi có lãi suất cao. Khi lãi suất trong nước tăng sẽ thu hút các nguồn từ nước ngoài hoặc giữ USD khối FDI ở lại trong nước và làm tăng nguồn ngoại tệ và ngược lại", ông Minh nói.

Ông Nghiêm Sỹ Tiến, chuyên gia phân tích Chứng khoán KB (KBSV), cho rằng ngay từ đầu năm NHNN đã nhận thấy những áp lực nên đã chủ động phát hành tín phiếu từ đầu tháng 3 nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Theo ông Tiến, sự trái chiều trong chính sách điều hành lãi suất khiến chênh lệch lãi suất USD - VND trong 2-3 tháng đầu năm ở mức cao, do vậy một số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ lựa chọn giữ USD.

"Tâm lý găm giữ USD của doanh nghiệp sẽ khó tránh khỏi trong bối cảnh tỉ giá vẫn nóng như hiện nay" - ông Tiến nói và cho rằng việc NHNN bán USD giao ngay sẽ giúp giải tỏa áp lực từ phía cung, đồng thời tiền đồng bị hút về cũng giúp lãi suất tiền đồng tăng, giảm chênh lệch lãi suất USD - VND.

Tuy nhiên, việc bán USD có thực sự giúp hạ nhiệt tỉ giá hay không cũng còn phải xét thêm khối lượng NHNN bán ra là bao nhiêu và xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, theo ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup, cần thời gian để quan sát xem liệu biện pháp bán ngoại tệ để can thiệp này có thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng hay không.

"Bán USD kha khá rồi nhưng mọi thứ vẫn không hiệu quả sẽ phải tăng lãi suất lên...", ông Báu nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm