Tiền bạc không còn là thước đo duy nhất của thành công
Trong 2 năm trở lại đây, dưới tác động của dịch Covid-19, cuộc sống của chúng ta có nhiều biến động lớn. Nếu như trước đây, không ít người cho rằng vật chất, tiền bạc, sự giàu có mới là thước đo thành công thì nay tư tưởng này đã ít nhiều thay đổi. Thay vào đó, những giá trị nhân văn, suy nghĩ muốn giúp đỡ cộng đồng trở thành xu hướng chung của toàn xã hội. Một bác sĩ tạm gác lại công việc thường nhật để xung phong vào tâm dịch, một doanh nhân sẵn sàng chi hàng tỷ đồng đóng góp vào quỹ vắc-xin của quốc gia. Trong lúc khó khăn, ai cũng tìm được sứ mệnh riêng để cống hiến. Có lẽ khi đi qua những ngày tháng chông chênh, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, con người như tìm lại được ý nghĩa cuộc sống và nhận ra điều mình thực sự muốn để lại trong đời. Đại dịch đã giúp thức tỉnh và thay đổi tư tưởng sống của nhiều người. Tuy nhiên, bạn có biết, với một số người khác, điều này sớm đã là mục tiêu của họ.
Trên thực tế, ta có thể nhìn thấy khát vọng này ở những tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, các nhà lãnh đạo xuất chúng hay doanh nhân nổi tiếng như Chuck Feeney, Bill Gates, Warren Buffett, v... Họ dành phần lớn cuộc đời để trăn trở về việc có thể "để lại gì cho thế hệ mai sau" và coi đó là động lực để cống hiến.
Là nhà đồng sáng lập tập đoàn bán hàng miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers, tỷ phú Chuck Feeney đã quyên góp toàn bộ tài sản 8 tỷ USD của mình để góp sức giải quyết các vấn đề lớn của thế giới. Quỹ Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Atlantic) của ông đã góp phần cải thiện hệ thống y tế công tại Việt Nam, đồng thời cung cấp cơ sở cho việc điều trị AIDS tại khu vực Nam Châu Phi.
Sự hào phóng và triết lý sống của Feeney đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều vị tỷ phú nổi tiếng như Bill Gates, Warren Buffett. Năm 2010, Bill Gates cùng Warren Buffett khởi xướng "The Giving Pledge" – sáng kiến nhằm thuyết phục các tỷ phú trên thế giới đóng góp tài sản để phụng sự cộng đồng.
Trải qua đủ khó khăn và biến động, chạm đến "đỉnh cao" của sự giàu có về vật chất, họ nhận ra đâu mới là giá trị đích thực và lâu dài có thể để lại cho mai sau. Quan trọng hơn, họ luôn dành hết tâm huyết và trí lực để theo đuổi sứ mệnh đó.
Khát vọng "để lại" của doanh nhân Việt
Không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam, tư tưởng này cũng được thể hiện rõ nét ở giới doanh nhân, được trao truyền qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Ý thức và hành động có trách nhiệm với cộng đồng, với tương lai từ lâu không chỉ còn là chiến dịch hay phong trào mà còn được xác định là một văn hóa cần xây dựng và phát triển của nhiều doanh nghiệp Việt trong thời đại mới. Bắt đầu đơn giản từ các hoạt động kêu gọi quyên góp nội bộ, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho khu vực lân cận, đến lớn lao hơn là các quỹ thiện nguyện, quỹ hoạt động công tác xã hội được thành lập và duy trì trong suốt thời gian dài. Minh chứng rõ rệt nhất trong thời gian dịch bệnh vừa qua, các lãnh đạo doanh nghiệp lớn đã đóng góp nhiều tỷ đồng vào quỹ vắc-xin, chủ động thương thảo, đàm phán để mang vắc-xin về Việt Nam, đồng hành cùng các bộ ban ngành xây dựng cơ sở vật chất, công nghệ để nghiên cứu, sáng tạo vắc-xin, v.v...
Trong một khảo sát thực hiện với nhóm khách hàng UHNW (cá nhân có giá trị tài sản ròng cao) năm 2021 của Ngân hàng ACB. Khảo sát chỉ ra rằng, 80% người tham gia đều mong muốn điều bản thân đã và đang làm có thể giúp đỡ, truyền cảm hứng và trở thành nền tảng phát triển cho thế hệ mai sau. Mong muốn này trải dài trên nhiều khía cạnh từ kinh doanh, môi trường đến văn hoá, giáo dục v.v...
Từ khát vọng đến hành động
Đâu chỉ đến khi xuất hiện đại dịch hay biến động, khát vọng để lại di sản và cống hiến cho cộng đồng của doanh nhân mới được thực hiện. Giải chạy UpRace là một ví dụ điển hình. Được khởi xướng từ năm 2018 bởi một doanh nghiệp lớn, UpRace đã huy động được 14,3 tỷ đồng cho các tổ chức vì cộng đồng. Nhờ đó mà có thêm hàng nghìn cây xanh được trồng mới, hàng trăm em nhỏ được phẫu thuật hở hàm ếch, được đi học đầy đủ…. Chính những đóng góp của lớp doanh nhân vừa có tâm vừa có tầm ấy đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ lối suy nghĩ vì cộng đồng trong xã hội.
Là một doanh nhân trẻ sớm gặt hái được nhiều thành công, ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch ngân hàng ACB, đồng thời là vị chủ tịch ngân hàng được biết đến với những định hướng phát triển bền vững nổi bật trong giới tài chính, đã từng chia sẻ: "Tại ACB, chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng mỗi sản phẩm, sáng kiến mà chúng tôi tạo ra ngày hôm nay sẽ để lại giá trị nhất định và là nền tảng phát triển cho mai sau. Trước hết là cho nhân viên, khách hàng, rộng hơn là cộng đồng, thế giới. Đây cũng là niềm tin và tầm nhìn mà nhiều thế hệ lãnh đạo ACB nỗ lực hướng đến".
Một trong những sáng kiến phát triển bền vững được phát động và kiên quyết theo đuổi bởi vị Chủ tịch nhiều tâm huyết - chương trình "Gần lại O" đặt mục tiêu lớn nhất là giảm rác thải nhựa ngay tại doanh nghiệp. Sau 8 năm, ngân hàng đã tiết giảm 22,7 triệu tờ giấy in bằng dự án số hoá quy trình nội bộ, 90% trong tổng số 12.000 nhân viên ACB đã từ bỏ đồ nhựa dùng một lần. Trong dịch vụ khách hàng, ACB đã thay thế hàng nghìn túi nilon bằng 1,2 triệu túi vải, hơn 25 nghìn các bộ dụng cụ thân thiện với môi trường đã được cung cấp, cùng hàng loạt chiến dịch thu gom rác khác được chính người ACB tự nguyện thực hiện tại địa phương,… "ACB đang làm phần việc của mình để đảm bảo rằng chúng ta và thế hệ tiếp theo sẽ được thừa hưởng một bầu không khí sạch, một thế giới bớt ô nhiễm. Chương trình này cần nhiều nỗ lực nhưng thành quả thực sự xứng đáng" – ông Huy tâm sự.
Tầm nhìn "Để lại cho mai sau" của lãnh đạo ACB còn được "khắc họa" rõ nét trong sản phẩm thẻ ACB Visa Infinite mới ra mắt. Đây là chiếc thẻ quyền lực nhất trong phân khúc cao cấp trên thế giới với cách phát hành rất giới hạn (Invitation only), ACB dành tặng đến rất ít những khách hàng cao cấp nhất của ngân hàng. Không bó hẹp trong lối mòn thiết kế vàng – đen thường thấy, chiếc thẻ kim loại khoác lên mình màu xanh đậm hoà nhã, kết hợp tone nâu pha vàng cam, gợi nhắc đến những giá trị trường tồn theo thời gian. Hình ảnh viên ngọc trai tỏa sáng giữa hồ sen đại diện cho những tinh hoa, toả sáng và bền lâu.
Lấy triết lý "người đồng hành tận tuỵ" làm kim chỉ nam, chiếc thẻ ACB Visa Infinite không chỉ thiết kế đặc quyền, ưu đãi dành riêng cho cá nhân mà sản phẩm còn chú trọng hơn nhiều về sự đồng hành cùng khách hàng trong hành trình chăm sóc gia đình và những người xung quanh, cùng sáng tạo nên các dự án mang ảnh hưởng lớn, tích cực và lâu dài cho đời.
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn: Ta để lại gì cho mai sau?
Vị lãnh đạo ngân hàng thế hệ mới cởi mở chia sẻ, trong những cuộc trò chuyện và làm việc với nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp và tầng lớp doanh nhân khác nhau, câu chuyện giờ đây đã không dừng lại ở các cơ hội kinh doanh hay lợi nhuận, mà còn bàn về những lý tưởng, khát vọng lớn lao. Chủ đề thu hút được nhiều quan tâm hơn cả vẫn là tâm huyết tạo ra giá trị thật sự cho khách hàng và xã hội. Ông có niềm tin rằng suy nghĩ này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và tạo thành một sức mạnh lớn giúp xây dựng cộng đồng và thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, những di sản giá trị luôn bắt đầu từ những việc làm thiết thực của ngày hôm nay.
Câu hỏi "Ta để lại gì cho mai sau?" có lẽ không dễ để trả lời trong giây lát, mà cần cả hành trình dài suy ngẫm và cống hiến. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chính những suy nghĩ sâu sắc mà tất cả chúng ta đều cùng đặt lên bàn tròn thảo luận, những ý tưởng sẽ được thành hình, những di sản sẽ được kiến tạo cho thế hệ tương lai. "Quan trọng hơn việc ta giàu có ra sao hay thành công thế nào, đó chính là ta chọn để lại gì cho mai sau".