Từng có quan điểm khá hot trên mạng xã hội: “Gen Z chính là thế hệ nhân viên sẽ sa thải sếp của mình”. Theo kết quả cuộc khảo sát của trang web tuyển dụng Zhaopin, các mối quan hệ việc làm truyền thống đang bị đảo lộn trong nền kinh tế số 2 thế giới, khi thế hệ gen Z trở thành lực lượng thống trị thị trường lao động và đại dịch thúc đẩy quá trình số hoá trong môi trường làm việc.
Dễ dàng thấy nhất là việc Gen Z đang dần có sự thay đổi trong cách làm việc và văn hoá công ty mình. Thay vì cống hiến quá lâu, các bạn trẻ bị nhận xét “cả thèm chóng chán" và dễ dàng nhảy việc. Đây cũng được đánh giá là thế hệ làm việc tự do, cởi mở và biết cách tự học hỏi qua Internet nhiều hơn.
Dưới cương vị là CEO của công ty tuyển dụng chuyên nghiệp TopCV – anh Trần Trung Hiếu (Under 30 Forbes Việt Nam năm 2022) đã có những chia sẻ với chúng tôi về văn hoá làm việc của giới trẻ thay đổi thế nào đi từ thế hệ đầu 9x và bây giờ là Gen Z. Có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng, anh Hiếu cho biết đây là thời điểm mà mọi công ty đều cần thay đổi cách làm việc và quy trình vận hành thì mới có thể giữ chân được nhân tài.
Phỏng vấn CEO Trần Trung Hiếu - Thành viên Forbes Under 30 năm 2022
Theo anh, các bạn trẻ Gen Z bây giờ đi tìm việc khác ngày xưa thế nào?
Khác nhiều chứ! Thế hệ của mình là đầu 9x và có rất nhiều điểm giao với thế hệ 8x. Khi tìm việc hồi ấy, Facebook vẫn chưa phổ biến, mình hầu như toàn đi tìm việc qua các anh chị đi trước, học cùng trường, hỏi người quen hoặc giới thiệu sang công ty này kia. Thời đó, mình khó nắm bắt các công ty đang tuyển dụng thế nào, môi trường văn hoá làm việc của họ ra sao. Còn bây giờ các bạn trẻ có thể lên MXH tìm việc nhiều lắm. Cơ hội có được một công việc bây giờ dễ hơn ngày trước rất nhiều. Công việc làm trái ngành cũng nhiều hơn và có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, các công việc ngày nay cũng đòi hỏi ứng viên nhiều hơn về kỹ năng thì mới cạnh tranh được vị trí tốt trong công ty.
Vậy còn cảm hứng làm việc thì sao? Có phải giới trẻ ngày càng tự tin, họ nhận thức cao về giá trị bản thân nên có phần “kiêu ngạo” trong việc chọn công việc và môi trường làm?
Ai đi làm cũng đều mong muốn có được môi trường tốt, sếp tốt, học hỏi nhiều thứ, thu nhập cao, năng lực xứng đáng với mức thu nhập. Mình nghĩ đó là điều bình thường, các công ty cũng như ứng viên đều có mong muốn cân bằng được các yếu tố trên. Vậy nên bảo các bạn trẻ ngày nay có xu hướng đòi hỏi là không thực sự khách quan đâu.
Nói chính xác hơn, giới trẻ bây giờ thẳng thắn, rõ ràng hơn trong việc đưa ra mong muốn, nhận định bản thân mình. Nhìn ở góc độ tích cực cũng rất tốt cho chính sách các công ty khi tuyển được người phù hợp. Các bạn trẻ cũng sẽ có những điều chỉnh để môi trường, các công ty tạo ra phúc lợi tốt hơn sẽ thu hút được người đi làm.
Mình nhấn mạnh ở đây câu chuyện các bạn trẻ mong muốn có môi trường được học hỏi, phát triển nhiều hơn chứ không chỉ xoay quanh chuyện thu nhập tốt. Rất nhiều bạn trẻ bây giờ mong muốn được học hỏi, phát triển, có lộ trình tại công ty 1 năm, 2 năm, 3 năm… nữa phát triển thế nào. Đây là sự “đòi hỏi” rõ ràng mà mình đánh giá rất cao. Vì khi có cái đó, bạn sẽ thấy được tương lai tôi muốn trở thành người thế nào, nỗ lực vì cái gì… Còn nếu chỉ đơn thuần nhìn vào câu chuyện nơi nào trả lương cao, văn phòng đẹp thì cái đấy chưa đủ, không giúp các bạn gắn bó với một công ty và giúp bản thân phát triển đủ tốt được.
Sau một quãng thời gian dịch Covid-19, nhiều nhân sự ồ ạt nghỉ việc vì cảm giác “không cần thiết phải sống thế này mãi”. Nhất là ở các Gen Z thường bị đánh giá “cả thèm chóng chán”, gặp khó khăn là dễ buông xuôi. Theo anh các công ty cần tạo cảm hứng như nào cho lứa nhân viên này ngay cả trong những giai đoạn khó khăn?
Nói về câu chuyện tạo cảm hứng thì không phải mỗi Gen Z đâu mà công ty nào tại thời điểm này cũng cần thay đổi. Thay đổi ở góc làm mới mình, có nhiều hoạt động nội bộ hơn như khen thưởng, tổ chức minigame… Cũng cần linh hoạt trong việc work from home hay đi làm tại văn phòng để tạo cảm hứng, hỗ trợ phù hợp cho các nhóm nhân sự.
Đặc biệt nhóm Gen Z cần những thứ đó nhiều hơn. Bởi các bạn có năng lực sử dụng các công cụ online, có khả năng tự học, khám phá cái mới tốt hơn thế hệ trước, gen Z là thế hệ của Internet mà. Khi các bạn có năng lực tiếp cận như thế thì công ty mà biết cách khai thác và tạo điều kiện cho các bạn thì càng tốt cho sự phát triển của cả nhân sự và doanh nghiệp.
Anh từng chia sẻ bây giờ tuyển dụng không còn hướng mạnh vào nhà tuyển dụng mà quay trở lại trung tâm ứng viên. Anh thấy điều này được ứng dụng thế nào ở công ty mình?
Thứ nhất, quan điểm của mình và ban lãnh đạo công ty luôn coi ứng viên là nhân tài, là điểm sáng, là người cần thu hút dù ở bất kì vị trí nào (không chỉ riêng vị trí leader cấp cao). Khi mà mình coi tất cả vị trí đều quan trọng như nhau, cách mình tiếp cận việc tìm người cùng sẽ nhất quán. Mình follow ứng viên, chăm sóc kĩ dù ở vị trí nào, đều cần gây được ấn tượng tốt.
Thứ hai, sau khi các bạn hứng thú với công ty, đã qua được vòng phỏng vấn và đi làm thì TopCV cần xây dựng môi trường chuyên nghiệp. Đó là từ trải nghiệm văn phòng, chỗ ngồi, không gian chung, khu vực tương tác… cần phù hợp với các thế hệ làm 8X – 9X – Gen Z. Các chương trình đào tạo nội bộ cũng được chú trọng. Đó là câu chuyện các bạn trẻ vào đây, không chỉ thấy cái gì dùng cái đó, mà còn phải tự phát triển bản thân mỗi ngày nữa. Các bạn tiến bộ thì công ty mới phát triển được, chứ không thể cả bộ máy cứ đứng im.
Khi vào đây, nhân sự cũng cần học văn hoá làm việc chuyên nghiệp. Từ những cái rất nhỏ thôi, ví dụ như ra vào văn phòng để dép thế nào cho gọn gàng, sửa bàn ghế sau khi họp thế nào… Đây không phải điều bạn trẻ nào cũng cần học tập và chú ý. Như bạn biết đấy, tinh thần khởi nghiệp thành công là phải biết bắt đầu và hoàn chỉnh từ những cái nhỏ nhất.
Từng có nhiều năm làm sếp, anh đã chứng kiến một ca nghỉ việc vô tiền khoáng hậu nào chưa?
Chuyện nhân sự nghỉ việc là điều hết sức bình thường khi họ thấy môi trường này không phù hợp hoặc có thể vì những thay đổi của bản thân, hoàn cảnh gia đình dẫn đến nghỉ việc. Có 2 trường hợp trái ngược nhau làm mình ấn tượng nhất.
Trường hợp đầu tiên, cũng có bạn nhân sự nhận việc. Buổi sáng nhận việc, đến trưa xin phép ra ngoài đi ăn, đến chiều mất hút, gọi không liên lạc được. Sau đó khoảng mấy ngày, bạn báo là gia đình có chuyện, phải đi đâu đó mất 1 tuần nên không còn ở Hà Nội nữa. Đây chắc là trường hợp nghỉ việc nhanh nhất ở công ty từ trước đến giờ và cũng không để lại bất kỳ thông tin nào. Rất may mắn là chưa có vấn đề nào xảy ra, mọi người chỉ ngỡ ngàng thôi, vì chưa kịp làm quen nhau gì cả.
Trường hợp thứ 2 là ở một bạn thực tập sinh. Bạn ấy làm được một thời gian thì xin nghỉ. Bạn ấy cũng có tự tổ chức một buổi chia tay, mời cả văn phòng bánh kẹo. Mặc dù chỉ là thực tập sinh thôi nhưng bạn cũng viết thư tay cảm ơn các anh chị và công ty đã giúp đỡ mình suốt thời gian qua. Đó là trường hợp mình thực sự ấn tượng. Bởi ngoài sự chuyên nghiệp, bạn còn có thái độ biết ơn trước và sau của một nhân sự. Với cách làm đó thì mình tin, bạn ấy cũng sẽ để lại ấn tượng tốt với công ty mới thôi.
Việc nhân sự nghỉ việc là chuyện bình thường nhưng cách nghỉ sẽ phản ánh con người bạn. Nghỉ thế nào cho ấn tượng, vẫn giữ lại được các mối quan hệ, đó là cái quan trọng mà không phải bạn trẻ nào đi làm cũng chú ý. Khi đã bắt đầu nộp đơn nghỉ rồi nhưng các bạn vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc lao động, quy định công ty đặt ra.
Theo anh, trong vài năm tới, nhóm ngành hay công việc nào sẽ lên ngôi?
Với xu hướng hiện tại, nhất là sau khi Covid-19 xảy ra thì mọi thứ gần như chuyển sang online. Từ đó, khái niệm chuyển đổi số hay nền kinh tế số được xuất hiện nhiều hơn. Chúng ta đặt hàng, mua bán online, thậm chí họp hành qua Zoom… Các doanh nghiệp nhận thức rõ khi từ offline muốn chuyển sang online, phải có các công cụ chuyển đổi số, các sản phẩm hỗ trợ về công nghệ để giúp họ có thể tương tác, làm việc bình thường. Các công ty ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp sẽ ra đời nhiều hơn.
Rất nhiều doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh doanh online nhiều hơn thì sẽ tạo ra một nền kinh tế số rất mạnh trong thời gian tới. Nền kinh tế số bao gồm Fintech, Medtech… sẽ phát triển mạnh. Các mảng liên quan đến công nghệ thông tin, nơi sẽ cần rất nhiều bạn lập trình viên, BA, Tester… rất nhiều vị trí có nhu cầu cao trong thời gian tới, đặc biệt ở 3 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Mình tin đây cũng là xu hướng dài hạn trong lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin. Các khối ngành phần mềm sẽ phát triển rất mạnh.
Ngày xưa, 9x lấy thước đo nghìn đô để nói về sự thành công khi ra trường. Nhưng Gen Z thì khác, họ dường như không có giới hạn, còn tậu nhà, mua xe, tiền tỉ khi mới 20 tuổi. Anh nghĩ sao về điều này?
Với các bạn trẻ ngày nay, khi đi làm thì với mình, các bạn cần có tinh thần cầu thị, có sự tận tâm hết sức với công việc được nhận giao. Không biết bản thân có thích hay không, nhưng khi được giao thì phải làm với tinh thần nghiêm túc nhất. Nếu giữ tinh thần đó thì dù kiếm được 10 triệu hay 100 triệu/tháng, bạn hoàn toàn có thể “gia tăng” cho bản thân. Vì tinh thần làm việc đó có sự cam kết và tập trung, nghiêm túc với công việc mình được giao. Còn kiếm được nhiều rồi thì phải học cách giữ tiền và đầu tư hiệu quả. Đó là điều cần thiết với bất kỳ ai.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!