Doanh nghiệp

Tăng gấp đôi cây xăng xuất hóa đơn theo từng lần bán

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ tháng 7/2022, 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.

Đến ngày 1/2, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy 6.144 cây xăng, chiếm khoảng 36% cây xăng thực hiện, tăng gấp đôi thời điểm ban đầu triển khai. Trong đó, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Hà Nội có tỷ lệ cây xăng thực hiện trên 70%.

Người dân mua xăng tại cửa hàng ở góc đường NGô Quyền - Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Người dân mua xăng tại cửa hàng ở góc đường Ngô Quyền - Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Số cây xăng xuất hóa đơn điện tử từng lần bán tăng mạnh sau hàng loạt các biện pháp từ cơ quan thuế, như tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp xăng dầu. Cùng đó, Tổng cục Thuế và Cục thuế địa phương giao chỉ tiêu đến từng lãnh đạo phòng, chi cục thuế và từng công chức quản lý để thực hiện nhiệm vụ này.

Tổng cục Thuế cho biết sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp để 100% cửa hàng thực hiện quy định và đề nghị các bộ, ngành cùng vào cuộc, phối hợp.

"Các trường hợp không hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm", cơ quan thuế cho biết.

Cuối năm ngoái, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có giải pháp để cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12/2023. Nhưng tới khi đó, chỉ 2.700 cửa hàng thực hiện, chủ yếu của Petrolimex và Saigon Petro.

Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty Xăng dầu Chiến Thắng Yên Bái, một trong hơn 10.000 cây xăng chưa triển khai, mới đây cho biết doanh nghiệp muốn có thêm thời gian để lắp đặt và đồng bộ các thiết bị, phần mềm để xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.

Ngoài ra, họ cũng gặp vướng mắc về kiểm định nếu cột bơm cũ tích hợp thêm thiết bị đo đếm số liệu, truyền dữ liệu vào máy tính. Do chưa được hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan kiểm định, nhiều chủ cây xăng chưa thể triển khai vì lo ngại vi phạm.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo cho rằng doanh nghiệp cần có kinh phí để chuyển đổi số (hóa đơn, thanh toán không tiền mặt...). Ông tiếp tục kiến nghị được đưa chi phí này vào giá bán lẻ xăng dầu với tỷ lệ 0,5% trên giá bán.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm