Kong Pun Pun, chuyên gia dinh dưỡng tại Healthify Me, công ty chăm sóc sức khỏe và sức khỏe kỹ thuật số, chỉ ra bảy món ăn vặt chứa nhiều calo và phổ biến trong dịp Tết tại Singapore. Các món ăn chủ yếu làm từ tinh bột, chứa nhiều carbohydrate, có thể làm tăng đường huyết, tăng cân nhanh.
Thịt lợn bak kwa
Khác với thịt lợn khô Việt Nam xé sợi, bak kwa là thịt lợn sấy khô kiểu Trung, được thái thành từng lát. Nó chứa nhiều chất béo, có vị ngọt và mặn. Một miếng khoảng 50 g có thể chứa 250 calo, nên chuyên gia Kong khuyên không ăn quá hai miếng mỗi ngày.
Bánh gạo rán
Bánh gạo rán được làm từ bột gạo nếp chiên ngập dầu, chứa nhiều đường và chất béo, có thể làm lượng đường trong máu tăng đột biến. Một miếng bánh khoảng 87 g chứa 177 calo, nên không ăn quá một miếng mỗi ngày.
Chả tôm
Hai miếng chả tôm khoảng 43 g có thể chứa đến 120 calo, nên không ăn quá 2-3 miếng mỗi ngày.
Bánh đậu phộng Peanut Puff
Loại bánh này kích cỡ khoảng hai ngón tay, làm từ bột mì và bột gạo, bọc nhân đậu phộng xay nhuyễn bên trong, sau đó đem đi chiên ngập dầu. Nó chứa rất nhiều chất béo và đường. Một miếng bánh đậu phộng chỉ 22 g nhưng có đến 116 calo, nên chuyên gia khuyên không ăn quá ba miếng mỗi ngày.
Bánh quế love letter
Bánh quế love letter có vỏ giòn, được làm chủ yếu bằng bột gạo kết hợp với nước cốt dừa, trứng và đường caramen, cuộn lại giống một bức thư. Vì một miếng bánh khoảng 30 g chứa 82 calo nên không nên ăn quá hai miếng mỗi ngày.
Bánh tart dứa
Bánh tart dứa có nhiều chất béo và đường. Một miếng bánh 20 g có thể chứa 73 calo, nên không ăn quá hai miếng mỗi ngày.
Bánh quy tổ ong
Bánh quy tổ ong làm hoàn toàn bằng bột mì, được chiên giòn, mỏng. Một miếng bánh 18 g chứa 65 calo, và chỉ nên ăn hai miếng mỗi ngày.
Để tránh ăn quá nhiều dịp Tết, chuyên gia khuyên nên bày đồ ăn vặt ra đĩa, thay vì để nguyên trong hộp hoặc gói. Sử dụng đĩa ăn nhỏ hơn cũng là cách để giảm tốc độ ăn.
Tiến sĩ Ng Lok Pui, trưởng nhóm chăm sóc phòng ngừa tại phòng khám Đa khoa SingHealth, khuyên nên chọn những thực phẩm lành mạnh hơn như bánh quy nguyên hạt không đường, các loại hạt nướng trong lò không gia vị và trái cây tươi. Tiến sĩ Pui nói ăn nhiều protein và carbohydrate trong dịp lễ Tết sẽ làm tăng lượng serotonin, chất hóa học điều chỉnh tâm trạng và chu kỳ giấc ngủ của con người.
"Kết quả là, sau một bữa ăn, chúng ta thường cảm thấy rất buồn ngủ, hay còn gọi là bị 'hôn mê' thức ăn", ông Ng nói, thêm rằng cơ thể phải làm việc mệt nhọc hơn để kiểm soát lượng carbohydrate, chất béo và đường trong các bữa ăn như "rồng cuốn". Về lâu dài, nó sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ng Qing Xiang, 26 tuổi, bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc tại phòng khám Eu Yan Sang TCM, cũng đồng tình với quan điểm này, cho biết đi bộ khoảng 20 - 30 phút sau khi nạp lượng lớn đồ ăn có thể giúp hạ đường huyết.
"Sau khi tiêu thụ một lượng lớn đường, khối lượng công việc của hormon insulin tăng lên nhiều, tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường hoặc khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn", cô nói, khuyên nên ăn thành từng bữa nhỏ nhưng thường xuyên, để tránh đường huyết tăng đột ngột.
Theo tiến sĩ Ng, trà có thể giảm bớt lượng đường trong máu sau khi ăn lượng lớn thức ăn. Trà chứa polysaccharide, chất có thể ức chế enzym chuyển hóa tinh bột thành đường glucose, ngăn chặn việc tăng đường huyết đột ngột. Ngoài ra, trà táo đỏ có thể hỗ trợ tiêu hóa chất béo và thịt.
(Theo StraitsTimes)