Theo số liệu từ báo cáo tài chính được các ngân hàng công bố, trong năm 2023 ghi nhận 5 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế lên đến cả tỷ USD (gần 25.000 tỷ đồng, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank) trong đó gồm 4 ngân hàng quốc doanh và một nhà băng tư nhân.
Cụ thể, Vietcombank vẫn là quán quân toàn ngành và bỏ xa các nhà băng khác trong hệ thống với lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 41.244 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022.
BIDV báo lãi trước thuế 27.650 tỷ đồng tăng 21% so với năm 2022. Hoạt động kinh doanh hiệu quả giúp BIDV vượt qua Techcombank để giành vị trí á quân lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2023.
Là ngân hàng thương mại tư nhân duy nhất góp mặt trong nhóm danh sách nhà băng ghi nhận lợi nhuận tỷ USD trong năm 2023, MB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 26.306 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2022. Đây cũng là năm đầu tiên MB lọt Top 3 lợi nhuận toàn ngành, không chỉ vượt VietinBank, Agribank mà cách khá xa các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn khác như Techcombank, ACB, VPBank,…
Ngân hàng Agribank ước tính ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 25.300 - 25.400 tỷ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm 2022. Đứng thứ 5 là ngân hàng VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 25.100 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước.
Top 10 lợi nhuận năm 2023 gọi tên lần lượt: Vietcombank, BIDV, MB, Agribank, VietinBank, Techcombank (22.888 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022), ACB (20.068 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022), HDBank (13.017 tỷ đồng, tăng trưởng 27%), VPBank (10.987 tỷ đồng, giảm 48% so với năm 2022), VIB (10.703 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2022).
Ông Trần Thành Nam và ông Colin Richard Dinn là hai nhân sự cấp cao có thu nhập cao nhất tại Vietcombank
Không chỉ vô địch về lợi nhuận trước thuế năm 2023, Vietcombank cũng mạnh tay chi thù lao, tiền lương, trợ cấp cho các lãnh đạo. Vietcombank cũng là nhà băng duy nhất trong nhóm những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận từ 20.000 tỷ đồng trở lên trong năm 2023 công bố chi tiết về thu nhập của đội ngũ lãnh đạo.
Cụ thể, trong năm 2023, Vietcombank chi hơn 61 tỷ đồng trả lương, thưởng, thù lao cho đội ngũ ban lãnh đạo, con số này tăng gần 57% so với con số chỉ hơn 39 tỷ đồng trong năm 2022.
Trong đó, Vietcombank đã chi hơn 16,78 tỷ đồng cho việc trả thù lao cho HĐQT. Nguyên Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng nhận 1,63 tỷ đồng, tương đương khoảng 136 triệu đồng/tháng. Ông Dũng thôi đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1 sau khi được điều động làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Cùng mức thu nhập với ông Dũng là ông Đỗ Việt Hùng (Thành viên HĐQT phụ trách hoạt động của HĐQT từ ngày 1/1) và ông Nguyễn Thanh Tùng, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Các thành viên HĐQT khác nhận thù lao khoảng 2,3 – 2,5 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong khi đó, mức chi cho lương, thưởng của Ban Điều hành lại tăng mạnh từ 14,69 tỷ đồng lên 39,55 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là ông Colin Richard Dinn, Giám đốc Khối công nghệ thông tin và chuyển đổi số kiêm Giám đốc Trung tâm ngân hàng số Vietcombank, nhận lương, thưởng lên đến 15,26 tỷ đồng trong năm 2023. Tính bình quân, thu nhập mỗi tháng của vị Giám đốc khối này lên đến 1,27 tỷ đồng. Đây cũng là nhân sự người nước ngoài duy nhất trong Ban Điều hành Vietcombank.
Ngoài ông Colin Richard Dinn, 1 Giám đốc khối khác cũng có mức thu nhập cao vượt trội là ông Trần Thành Nam với mức lương, thưởng được nhận trong năm 2023 là hơn 5 tỷ đồng, tương đương thu nhập mỗi tháng của ông Nam lên tới hơn 350 triệu đồng.
Nguyên Phó Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Thắng dù chỉ làm việc 4 tháng trong năm 2023 (nghỉ hưu từ 1/5/2023) nhưng đã nhận được lương, thưởng lên đến 995 triệu đồng, tương đương 249 triệu đồng/tháng.
Các phó Phó Tổng Giám đốc khác như bà Đinh Thị Thái, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, ông Lê Quang Vinh, ông Đặng Hoài Đức, ông Nguyễn Việt Cường và ông Lê Hoàng Tùng đều nhận lương, thưởng từ 2,2 - 2,5 tỷ đồng trong năm 2023, tương đương thu nhập bình quân 183 - 208 triệu đồng/người/tháng.