Sau phiên giảm điểm ngày 14/6, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư được thể hiện rõ khiến VN-Index rung lắc trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu trong phiên giao dịch ngày 15/6. Kết phiên, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 0,45 điểm để đóng cửa ở 1.116,97 điểm; chỉ số HN-Index tăng 0,62 điểm để đóng cửa ở 229,53 điểm. Trong khi đó, chỉ số Upcom-Index giảm nhẹ 0,27 điểm để đóng cửa ở 84,55 điểm.
Dù chỉ số VN-Index vừa có chuỗi 2 phiên giảm điểm liên tiếp nhưng “sân chơi nóng nhất” của giới đầu tư Việt Nam tiếp tục nhận được sự chú ý khi loạt lãnh doanh nghiệp dự kiến chi cả chục tỷ đồng để gia tăng sở hữu cổ phiếu.
Theo đó, ông Lê Văn Nam - Tổng giám đốc của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã: HBC) đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu HBC với mục đích đầu tư dài hạn. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận từ ngày 20/6 đến ngày 19/7.
Ông Lê Văn Nam đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu HBC
Trước đó, vào ngày 12/6, ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng - CTCP (mã chứng khoán: DIG) đã báo cáo hoàn tất mua vào 3 triệu cổ phiếu DIG. Tạm tính theo giá đóng cửa cùng phiên, ông Cường đã phải chi ra khoảng 61 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch mua vào trên. Hiện tại, số lượng cổ phiếu vị Phó Chủ tịch đang nắm giữ ghi nhận gần 62 triệu đơn vị, tương tương 10,16% vốn tại DIG.
Tương tự, thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS) ông Nguyễn Anh Đức và em ruột Phó Chủ tịch HĐQT Lê Đình Dương – ông Lê Xuân Tùng đăng ký mua tổng cộng 5,6 triệu cổ phiếu HBS trong thời gian từ 08/06-07/07/2023, chiếm 17% số lượng cổ phiếu lưu hành. Cụ thể, ông Đức đăng ký mua thỏa thuận 2.4 triệu cp với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu. Còn ông Tùng cũng đăng ký mua thỏa thuận 3.2 triệu cp HBS.
Trong khi đó, động thái của ông Nam diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp xây dựng này chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vào ngày 27/6, nhằm thông qua một số kế hoạch cũng như những hoạt động mà doanh nghệp sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Nếu giao dịch thành công, ông Lê Văn Nam sẽ tăng sở hữu tại HBC lên 2,03 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,74%). Tạm tính tại mức giá đóng cửa ngày 15/06 (tức 9.130 đồng), ông Nam dự kiến phải chi 18 tỷ để mua số cổ phiếu này.
Ông Lê Văn Nam sinh năm 1976, là tân tổng giám đốc của HBC vừa được bổ nhiệm ngày 19/5/2023. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư Xây dựng trường Đại học Bách Khoa TP HCM. Trước khi ông Nam được bổ nhiệm, ghế Tổng giám đốc của HBC đã để trống kể từ tháng 7/2022 khi công ty miễn nhiệm ông Lê Viết Hiếu - con trai Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải - để đảm bảo tính pháp lý.
Nhận định về xu hướng giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 16/6, chuyên gia của chứng khoán Vietcap cho biết ngưỡng hỗ trợ MA5 của những VN-Index, VN30 hay MA10 của VNMidcap, VNSmallcap có thể sẽ thúc đẩy lực mua, giúp cho thị trường có sự hồi phục nhất định. Tuy nhiên, nếu lực mua không được cải thiện ở các vùng giá cao, lực bán được dự báo sẽ gia tăng trở lại và tạo nên sự giằng co, thử thách các hỗ trợ. Nếu VN-Index đóng cửa dưới mốc 1.115 điểm, nhiều khả năng chỉ số này sẽ có một nhịp điều chỉnh giảm để kiểm định lại hỗ trợ EMA200 tại vùng 1.100 điểm. Ngược lại, nếu VN-Index có thể chốt tuần ở mức cao mới trong năm 2023, chỉ số có thể sẽ tiếp tục hướng lên vùng kháng cự quanh 1.140 điểm sau đó.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp rung lắc trong phiên 16/06 do phiên này là ngày cuối cùng để các quỹ ETF cơ cấu danh mục. Dự báo trong phiên giao dịch 16/06, sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.110-1.115 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.120-1.125 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Trong khi đó, chuyên gia của chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng dự kiến thị trường sẽ cần thêm thời gian kiểm tra cung cầu quanh mức điểm hiện tại trước khi có tín hiệu cụ thể hơn. Nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu đã tăng nhanh trong thời gian gần đây hoặc đang chịu áp lực bán từ vùng cản để hiện thực hóa thành quả.