Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco cho biết, đơn vị đang cho vận hành trạm bơm khẩn cấp lấy nước từ giữa lòng sông Đà để cấp đủ nước cho sản xuất.
Các trạm bơm này được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2023 để chủ động cung cấp nguồn nước mà không phụ thuộc nhiều vào chế độ vận hành của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Theo đó, khi nước trên sông Đà cạn kiệt và Nhà máy thủy điện Hòa Bình không có đủ nước để xả mức tối thiểu, các trạm bơm của Nhà máy nước Sông Đà sẽ phải dừng hoạt động và lượng nước dự trữ trên hồ Đầm Bài cũng sẽ cạn kiệt.
Điều này dẫn đến nguy cơ mất nước trên diện rộng, ảnh hưởng đến an toàn cấp nước. Vì vậy, các trạm bơm khẩn cấp sẽ được vận hành để đảm bảo nguồn cung nước cho các khu vực.
Hồ Đầm Bài nơi nước sông Đà được bơm vào để dẫn đến nhà máy
Cùng với đó, Công ty Viwasupco bố trí nhân lực và bảo trì các thiết bị để vận hành các trạm bơm theo chế độ vận hành của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình để tích nước lên hồ Đầm Bài.
Trong điều kiện Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả xuống hạ du lưu lượng tối thiểu 214m3/s, Nhà máy nước sạch sông Đà vẫn có thể chủ động lấy nước trên sông để bơm tích trữ lên hồ Đầm Bài.
Đơn vị cũng sử dụng các thiết bị máy thi công để khơi thông dòng chảy, đảm bảo trạm bơm khẩn cấp vận hành khi Thủy điện Hòa Bình xả nước dưới mức tối thiểu.
Việc dự trữ nước trong hồ Đầm Bài được duy trì ở mức cao nhất để điều tiết lượng nước xả phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các xã Hợp Thành và Thịnh Minh (TP Hòa Bình), cũng như đảm bảo nguồn nước thô cho sản xuất của Nhà máy, đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước.
Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đang cấp khoảng 300.000 m3/ngày đêm, phục vụ người dân 10 quận, huyện phía tây nam Thủ đô, gồm: Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm.