ACB là ngân hàng đang thu hút được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây, sau màn vũ đạo của Chủ tịch Trần Hùng Huy tại đêm Gala kỷ niệm 30 năm thành lập. Theo đó, màn trình diễn tự đàn piano, tự hát và nhảy "dưới mưa" cùng dàn vũ công của chủ tịch ACB đã phủ sóng khắp mạng xã hội, từ Facebook đến TikTok.
Không chỉ gây chú ý trên mạng xã hội, mới đây Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã có nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4 năm 2021. Theo đó, ACB sẽ mua lại 4 lô trái phiếu mã ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá mua lại tối đa là 10.000 tỷ đồng.
Ngân hàng ACB của Chủ tịch Trần Hùng Huy muốn mua lại 10.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Đây là 4 lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Ngân hàng cũng cho biết sẽ mua lại lần lượt 4 lô trái phiếu vào các ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7.
Theo báo cáo tài chính, tại thời điểm quý 1/2023, ACB có gần 36.056 tỷ đồng trái phiếu lưu hành. Trong đó, lượng trái phiếu kỳ hạn 1 – 2 năm là 11.450 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm là 20.700 tỷ đồng, 5 năm là 1.495 tỷ đồng và 10 năm là 2.411 tỷ đồng. Nếu mua lại thành công 4 lô trái phiếu trên, số trái phiếu đang lưu hành của ACB sẽ giảm mạnh.
Cùng với kế hoạch chi hàng chục nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước thời hạn, chia sẻ với báo chí mới đây, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, ông Từ Tiến Phát cho biết, Ngân hàng ACB là một trong những ngân hàng có dư nợ hỗ trợ lãi suất lớn hàng đầu, có khi lớn hơn cả nhóm Big4. Hiện nay, dư nợ hỗ trợ lãi suất của ACB đạt khoảng hơn 600, gần 700 tỷ đồng.
Đối với tăng trưởng tín dụng chung của Ngân hàng ACB, theo ông Từ Tiến Phát, trong 2 tháng đầu năm, tín dụng của Ngân hàng giảm khoảng 0,6%. Từ tháng 3 đến nay, dư nợ của ACB tăng rất nhanh, đến tháng 5, từ mốc thấp nhất tính từ đầu năm đã tăng khoảng 5,5%. Thời gian tới, mỗi tháng có thể tăng trưởng 2-3% là hoàn toàn có thể.
Đến cuối tháng 5/2023, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng ACB là 2,5% so với đầu năm và dự kiến đến cuối tháng 6/2023 có thể đạt 5-5,5%.
Năm 2023, Ngân hàng ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 10%. Huy động vốn (gồm giấy tờ có giá) dự kiến tăng 8,1%. Tín dụng dự kiến tăng 9,7% theo hạn mức được cấp hiện tại. Tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%. Cổ tức từ lợi nhuận năm 2022 sẽ chia với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Vốn điều lệ sẽ tăng lên 38.840 tỷ đồng.
Trong quý 1/2023, ACB báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất tại ngân hàng đạt gần 5.157 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý 1/2022, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh 2023.
Kết thúc quý 1/2023, tổng tài sản của ACB đạt 611.224 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 411.289 tỷ, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, ACB cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ mức 0,74% lên 0,84% - vẫn duy trì ở mức thấp dưới 1% trong suốt 7 năm liên tiếp.