Công nghệ

Từ ý tưởng lập dị đến "con cưng" tại Thung lũng Silicon

Năm 2018, khi Valenzuela đồng sáng lập Runway và kêu gọi tài trợ, các nhà đầu tư, làm quảng cáo, làm phim đều nói anh bị điên, lập dị bởi khi đó họ cho rằng ý tưởng dùng AI để chỉnh sửa ảnh và video không khả thi, cũng không đem lại giá trị gì cho cuộc sống.

Đến đầu năm nay, Runway nhận được gần 100 triệu USD từ các vòng gọi vốn. Hồi tháng 5, startup này nhận thêm 100 triệu USD từ Google, đưa mức định giá công ty lên 1,5 tỷ USD. Công nghệ của Runway cũng nổi danh khi được ứng dụng trong phim giành giải Oscar 2023 là Everything, Everywhere, All at Once. Đài CBS cũng dùng công nghệ này để biên tập chương trình The Late Show từ 5 tiếng xuống còn 5 phút.

Khi nghệ thuật và công nghệ gặp nhau

Valenzuela không phải là nhà sáng lập công nghệ điển hình. Anh học kinh tế và quản lý kinh doanh, sau đó dạy tại Đại học Adolfo Ibáñez ở Santiago, Chile. Năm 2016, anh "phải lòng" AI và quyết định rời quê hương để tham gia chương trình sau đại học về công nghệ giao thoa nghệ thuật tại Đại học New York (Mỹ). Tại đây, anh gặp được những người cùng chí hướng là Anastasto Germanidis và Alejandro Matamala-Ortiz. Cả ba bắt đầu khám phá thành tựu của AI. từ ôtô tự lái cho đến công cụ dành cho nghệ sĩ, nhà làm phim.

Ba đồng sáng lập của Runway, từ trái qua phải Anastocation Germanidis, Alejandro Matamala-Ortiz và Cristóbal Valenzuela. Ảnh: Runway

Ba nhà đồng sáng lập Runway từ trái qua phải: Anastocation Germanidis, Alejandro Matamala-Ortiz và Cristóbal Valenzuela. Ảnh: Runway

Một điểm khác biệt của Runway là startup này không chỉ có những bộ não công nghệ hàng đầu mà còn tập hợp nhiều nghệ sĩ. "Văn phòng chúng tôi có người là chuyên gia về hiệu ứng video làm việc cùng người đang phát minh ra kỹ thuật đồ họa máy tính tiên tiến", Valenzuela nói.

Anh cho rằng khó có thể tìm kiếm được sự kết hợp ăn ý giữa nhà khoa học và nghệ sĩ. Tuy nhiên, mô hình của Runway đã gắn kết các nhóm này, giúp họ làm việc hiệu quả, đảm bảo ứng dụng luôn gần gũi với người dùng cuối.

Vì sao Runway hấp dẫn các quỹ đầu tư lớn?

Valenzuela mô tả Runway như một toa tàu AI với ba phần riêng biệt. Đầu tiên, startup xây dựng mô hình nền tảng của riêng mình như Gen-1, Gen-2 để có thể tạo video từ văn bản, hình ảnh do người dùng cung cấp. Để "dạy" AI, công ty đã hợp tác với các nhà nghiên cứu của Đại học Munich để xây dựng phiên bản đầu tiên của Stable Diffusion trước khi ứng dụng gây tiếng vang trước công chúng.

Tiếp đến là "toa cơ sở hạ tầng" làm việc trên các mô hình nền tảng để chúng có thể hoạt động một cách an toàn chính xác. Mỗi mô hình đáp ứng tiêu chuẩn của từng dự án, từ các nhà làm phim Hollywood đến đài truyền hình.

Cuối cùng mới là ứng dụng Runway. Ở đây có hầu hết công cụ chỉnh sửa ảnh, video ứng dụng AI người dùng cần. Thậm chí nhiều hãng làm phim lớn cũng mua tài khoản của Runway để làm hậu kỳ cho sản phẩm của mình.

Video được Runway tạo từ đoạn văn bản: "Tạo cảnh quay theo sau một người đi bộ đường dài trong rừng rậm".

Các chuyên gia cho biết chiến lược toàn diện của Runway đã thu hút nhiều nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon nhờ khả năng ứng biến linh hoạt với công nghệ và yêu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, đây không phải điều hấp dẫn nhất mà startup phô diễn trước nhà đầu tư. Khi Runway ra đời, các sản phẩm ứng dụng AI trên thị trường hoạt động chưa thật sự chính xác. Công ty nhanh chóng tận dụng thế mạnh nhân sự đa dạng để cải tiến trải nghiệm người dùng và kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, sai lầm của công nghệ. Đây cũng là khác biệt khiến các đối thủ mới không thể sao chép được.

Theo Insider, Runway đang trở thành một trong những công ty khởi nghiệp AI được săn đón bậc nhất ở Thung lũng Silicon. Hồi đầu năm, công ty đã huy động được hàng trăm triệu USD từ các quỹ đầu tư lớn như Amplify Partners, Lux Capital, Madrona, Coatue, Felicis Ventures và mới nhất là Google.

Theo các chuyên gia, sau thành công của Microsoft khi rót tiền vào OpenAI, các công ty cung cấp dịch vụ đám mây lớn khác ở Thung lũng Silicon như Amazon, Google đang không ngừng tìm kiếm startup AI tiềm năng để đầu tư. Runway đã lọt vào tầm ngắm của các ông lớn. Nhiều nguồn tin cho biết Amazon đã nhắm đến startup này trước nhưng cuối cùng, Google là người chốt được thương vụ.

Nghệ thuật cho mọi người

Valenzuela cho biết khách hàng như New Balance đang dùng công cụ Runway để lên ý tưởng, phác thảo các phân cảnh, tạo mẫu với nhiều lựa chọn khác nhau. Với sức mạnh của AI, nhà sản xuất dễ dàng hình dung sản phẩm của mình sẽ ra sao dù mới ở giai đoạn khởi đầu. Các nhà làm phim cũng kết hợp công cụ của Runway để đẩy nhanh quá trình quay, hậu kỳ như xóa vật thể, thay nền.

Valenzuela cho biết nhiều tính năng mới đang được phát triển để phục vụ nhu cầu riêng của khách hàng. AI cũng giải quyết nhiều thách thức lớn mà trước đây các nhà sản xuất phải tốn vô số thời gian, công sức và tiền bạc để giải quyết.

Nhà sáng lập Runway đặt mục tiêu phát triển thêm nhiều "công cụ sáng tạo", đa dạng về phương thức từ văn bản, âm thanh đến video theo nhu cầu người dùng.

Tuy nhiên, những nền tảng AI như Runway cũng vấp phải không ít chỉ trích từ cộng đồng nghệ thuật. Nhiều người phản đối sản phẩm trí tuệ nhân tạo vì chúng vi phạm về bản quyền, đạo đức nghề nghiệp. Trong khi đó, Valenzuela tin AI của Runway chỉ đơn giản là giúp việc tạo video trở nên dễ tiếp cận và dễ dàng hơn với mọi người.

"Trách nhiệm của mọi thế hệ nghệ sĩ là tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ để sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật đôi khi không cần phải là kỹ thuật tinh vi, nó chỉ đơn giản là truyền đạt được thông điệp ý nghĩa đến xã hội", Valenzuela nói.

Ngoài việc bán giải pháp cho nhà sản xuất phim, kênh truyền hình, Runway còn có nguồn thu nhập ổn định từ người dùng trả tiền. Ứng dụng cũng có phiên bản miễn phí cho người dùng phổ thông nhưng bị giới hạn về số lượng ảnh và thời lượng video được tạo.

(theo Business Insider)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm