Thống kê được ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), nêu ra tại Hội thảo An ninh mạng và Mật mã sáng 15/6 ở Hà Nội.
Ông Hùng cho biết khảo sát được thực hiện cuối 2022 với 200 doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam. Trong đó, 57,8% tự tin về năng lực an toàn thông tin, còn 42,2% lo ngại các mối đe dọa trên môi trường mạng. Những vấn đề mà doanh nghiệp lo ngại nhất là con người với (87,4%) công nghệ (57,8%).
Theo đại diện Hiệp hội cũng như Cục An toàn thông tin, thời gian qua Việt Nam liên tục thăng bậc trên bảng xếp hàng an toàn thông tin trên toàn cầu. Chỉ số Sức mạnh mạng quốc gia của Harvard Kennedy School công bố cho thấy Việt Nam năm 2022 đứng thứ tám thế giới về chỉ số này. Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu GCI cũng xếp năng lực an toàn thông tin của Việt Nam ở mức 25, tăng mạnh so với thứ 50 hai năm trước.
Các chuyên gia nhận định sự quan tâm của nhà nước cùng các hoạt động thúc đẩy an toàn thông tin đã đóng góp quan trọng vào việc tăng hạng chỉ số về an toàn thông tin. Tháng 8/2022, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Tuy nhiên, vấn đề an toàn thông tin tại Việt Nam vẫn còn thách thức trong bối cảnh chuyển đổi số, khi mọi hoạt động của người dân được đưa lên môi trường mạng. "Không gian mạng 'nuôi dưỡng' nhiều mô hình kinh tế, xã hội mới, có hiệu quả cao, chi phí thấp, nhưng cũng kèm nguy cơ tiềm ẩn lớn về an ninh, chính trị và chủ quyền quốc gia", ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá,.
Tại hội thảo, ông Khoa cho biết thời gian qua, hệ thống đã ngăn chặn 6.930 website vi phạm pháp luật, trong đó 2.022 website lừa đảo. Việc này đã bảo vệ hơn 7,7 triệu người dân, tương đương 10,1% người dùng Internet Việt trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Ngoài ra, Bộ Công an trong 5 năm cũng đã phát hiện, xử lý hơn 2.300 chuyên án, khởi tố hơn 1.100 vụ với hơn 1.000 đối tượng và xử phạt hành chính 51 vụ liên quan tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.
Tuy nhiên theo Cục An toàn thông tin, nhận thức về an toàn an ninh mạng của nhiều cơ quan, tổ chức và người dân vẫn hạn chế. Tình trạng phát tán tin giả, thông tin vi phạm pháp luật phổ biến. Ngoài ra, các công nghệ mới xuất hiện như AI, big data, deepfake được các hacker ứng dụng vào tấn công mạng, khiến lừa đảo trở thành thách thức trong thời đại mới.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh tình hình an ninh mạng tiếp tục diễn biến khó lường. Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hoạt động gián điệp mạng, phá hoại của các thế lực thù địch ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về chủ quyền, an ninh, chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội.
Hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin trọng yếu của an ninh quốc gia nhằm phá hoại cơ sở dữ liệu, gây gián đoạn hoặc chiếm quyền điều khiển diễn ra thường xuyên hơn. Dẫn dẫn số liệu năm 2022, bà Giang cho biết Bộ Công an đã ghi nhận, phân tích gần 8 triệu cảnh báo, dấu hiệu hoạt động tấn công mạng.
"Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng đặt ra thách thức lớn đối với an ninh của các quốc gia trên thế giới. Bảo đảm an ninh mạng và quản trị an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó có Việt Nam", PGS. TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyến BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định.
TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định "với việc xem không gian mạng là vùng 'lãnh thổ đặc biệt', bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của các quốc gia".