Công nghệ

Làm việc với tỷ phú công nghệ căng thẳng thế nào

Theo Business Insider, lối sống và thói quen làm việc của các tỷ phú như Elon Musk, Jeff Bezos, Bill Gates luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu để học hỏi. Tuy nhiên, với một số đồng nghiệp hoặc đối tác, những gì họ đối diện được mô tả là "không đơn giản".

Từ trái sang: Elon Musk, Jeff Bezos và Bill Gates. Ảnh:Graham Cluley/Twitter

Từ trái sang: Elon Musk, Jeff Bezos và Bill Gates. Ảnh:Graham Cluley/Twitter

Bill Gates

Chris Williams, người đồng sáng lập hãng phần mềm Fox Software, cho biết ông không bao giờ quên khi họ gặp nhau lần đầu năm 1992. Khi đó, Microsoft thâu tóm Fox Software với giá 170 triệu USD. Sản phẩm của công ty nhanh hơn nhiều lần Cirrus từ Microsoft và việc đầu tiên khi Gates gặp đội ngũ nhân sự là muốn hiểu lý do.

Williams sau đó đảm nhận vị trí Phó giám đốc nhân sự của Microsoft. Trong 8 năm làm việc với Gates, ông cho biết điều lớn nhất mà ông học được từ tỷ phú này là khả năng tìm ra "ai là người hạ gục con bò đực".

"Ông ấy sẽ tiếp tục đi sâu vào một vấn đề cho đến khi người đối diện phải thừa nhận họ không biết, hoặc bắt đầu nói ra", Williams kể. "Thật khó ở trong môi trường như thế lâu mà không học được kỹ năng này. Nhờ Gates, tôi đã học được cách nhận biết một người thà chết chứ không chịu nói 'tôi không biết, tôi sẽ tìm hiểu thêm' chỉ qua biểu cảm khuôn mặt".

Williams cũng nhớ lại khả năng của Gates trong việc tiếp thu "hàng dặm dữ liệu và hàng chục ý kiến" trong mỗi cuộc họp và lập tức xác định điều gì quan trọng và điều gì cần làm ngay.

Jeff Bezos

Colin Bryar, cựu phó chủ tịch kiêm giám đốc nhân sự Amazon, liệt kê 13 điều ông có được trong 12 năm làm việc với nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Trong số đó có tầm quan trọng của việc phản ứng nhanh trước các xu hướng, tăng số sáng kiến có hiệu quả lên gấp đôi nhằm giảm thiểu rủi ro.

Ông cũng chấp nhận những cuộc họp cảm tưởng không hiệu quả nhưng lại đem đến kết quả ngược lại. Ví dụ, hàng tuần, Bezos tổ chức một cuộc họp kéo dài tới bốn giờ với các cấp dưới trực tiếp, thay vì họp riêng từng người. Tất cả sẽ phải tham gia dù các chương trình nội dung không thuộc trách nhiệm của họ.

"Bezos muốn họ hiểu trách nhiệm của nhau, để làm việc cùng nhau như một đội nếu khủng hoảng xảy ra", Bryar nói. "Tôi đã thấy nhiều nhóm tự làm việc không hiệu quả hoặc không quen làm cùng nhau. Các cuộc họp của Bezos có chủ ý và giúp ích cho họ rất nhiều".

Elon Musk

Trong những ngày đầu làm việc tại Tesla, Carl Medlock tham dự một cuộc họp mà trong đó, một nhân viên không đồng tình với ý kiến của Musk. Medlock, từng là giám đốc khu vực của Tesla, cho biết sau đó ông không bao giờ gặp lại nhân viên đó nữa.

"Elon không phải tuýp người để những người làm trái ý ở lại. Ông ấy sẽ để bạn đi", ông kể. "Khi Elon đứng dậy vào cuối cuộc họp và nói: 'Đây là hướng chúng ta sẽ đi', bạn sẽ rời khỏi ghế với lựa chọn làm theo hoặc nghỉ việc".

Theo Medlock, Musk nhìn chung "rất vui vẻ" nếu cấp dưới đứng về phía mình, nhưng không trò chuyện suông với nhân viên. "Ông ấy sẽ tự bắt chuyện với bạn nếu thấy cần", Medlock nói. "Trong cuộc họp, Musk cũng không lãng phí thời gian tán gẫu mà đi thẳng vào vấn đề".

Sau khi tiếp quản Twitter, Musk cũng sa thải những người trái ý ông. Giữa tháng 11/2022, tỷ phú Mỹ công khai đuổi việc một nhân viên sau khi người này "sửa" ông trên mạng xã hội. Hồi tháng 2, ông lập tức sa thải một kỹ sư vì người này nói độ nổi tiếng của ông trên nền tảng Twitter đang giảm dần.

(theo Business Insider)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm