Chiến lược đầu tư phù hợp năm 2023
Thanh khoản thị trường đã trở lại mốc hàng tỷ USD sau thời gian dài tuột khỏi mức này. Thực tế, việc dòng tiền bất ngờ chảy mạnh vào thị trường đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân đi từ trạng thái phấn khởi đến lo âu.
Bàn luận về vấn đề này, trong chương trình Bí mật đồng tiền diễn ra trưa ngày 14/6, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư, Người điều hành quỹ VESAF, VinaCapital, chia sẻ rằng khi đầu tư nên tách biệt hai yếu tố tác động đến giá cổ phiếu, đó là yếu tố về doanh nghiệp và dòng tiền.
Việc không quan tâm tới dòng tiền là một cách giúp nhà đầu tư không bị tác động bởi những tin đồn, thông tin của thị trường, ví dụ như việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hay danh mục đầu tư của các tổ chức lớn. Do đó, khi đã quyết định đầu tư và tin tưởng vào sự lựa chọn, tìm hiểu của bản thân thì nên bỏ qua động thái của những nhà đầu tư khác.
Bà Phương quan sát rằng thị trường Việt Nam có một đặc điểm khi một doanh nghiệp duy trì được sự tăng trưởng tốt và không có yếu tố nào ảnh hưởng tới việc tăng trưởng này, giá cổ phiếu doanh nghiệp thường sẽ khó giảm, chỉ điều chỉnh trong thời gian ngắn, nếu nhà đầu tư kiên nhẫn nắm giữ sẽ có được hiệu suất cao ở tương lai.
Do đó, đối với bà Phương việc VN-Index có đạt được 1.200 điểm hay không là điều không quan trọng, điều cần quan tâm là hoạt động của doanh nghiệp được duy trì tốt và hiệu quả. Đồng thời, bà Phương cho rằng đây cũng là chiến lược đầu tư tốt cho năm nay và năm 2024 khi triển vọng kinh tế không quá sáng như những năm trước.
Hy vọng nào cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam?
Tháng 6 hàng năm là thời điểm Morgan Stanley Capital International (MSCI) công bố báo cáo về việc phân hạng thị trường, liệu nhà đầu tư có thể hy vọng có “tia sáng” nào trong lần cập nhật này. Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban đào tạo CTCP Chứng khoán SSI cho biết theo báo cáo gửi trước của MSCI, ông Hưng thấy hiện vẫn chưa có hy vọng vì đánh giá của MSCI đối với Việt Nam năm nay "giống hệt" như năm 2022.
Một điểm cần lưu ý là Việt Nam đang chiếm một tỷ trọng quá lớn trong thị trường cận biên (frontier market), thậm chí còn lớn hơn các quốc gia mới nổi (emerging market) nhỏ như Rumani, Colombia, Peru, Philippines,.. cộng lại. Cho thấy Việt Nam đã đạt tất cả chỉ tiêu về mặt định lượng để có thể nâng hạng thị trường, tuy nhiên các chỉ tiêu định tính lại hầu như chưa có diễn biến mới.
Bàn luận thêm về vấn đề này, bà Phương cho biết thị trường được nâng hạng là điều rất tốt, tuy nhiên nếu chưa chuẩn bị đầy đủ cả về mặt số lượng và chất lượng ví dụ như số lượng công ty niêm yết, nhà đầu tư nước ngoài với quy mô hiện tại đã gặp phải khó khăn trong việc giải ngân số tiền lớn vào thị trường Việt Nam.
"Ngoài việc room của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế, VinaCapital còn thấy những vấn đề khác như còn rất ít công ty mới niêm yết hay chất lượng công ty như thế nào,... Giải quyết được những vấn đề này thì việc nâng hạng chỉ là việc trong một sớm một chiều mà thôi.