Hội nghị Thường niên lần thứ 48 của IOSCO bao gồm hàng loạt các cuộc họp thường niên từ các tiểu ban khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi - Trung Đông, Liên châu Mỹ và châu Âu; Tiểu ban các thị trường mới nổi, các cuộc họp hội đồng lãnh đạo của IOSCO và cuộc họp Đại hội đồng các Chủ tịch, Trưởng phái đoàn.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Đoàn công tác Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) của Việt Nam tham dự ba cuộc họp chính: Cuộc họp Tiểu ban Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC), Tiểu ban các Thị trường tăng trưởng và mới nổi (GEMC), Ủy ban các Chủ tịch (PC) và các phiên họp mở rộng của Tổ chức.
Ngày 13/6, theo chương trình Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đã tham dự và phát biểu tại cuộc họp Tiểu ban Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBCKNN cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng phát triển, đặc biệt là sau đợt dịch COVID-19 vừa qua.
Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã quyết liệt, kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông tin với lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán trong khu vực, Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng trong nhiều năm qua, duy trì diễn biến sôi động, thanh khoản tốt và ngày càng khẳng định là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và doanh nghiệp; đồng thời cũng là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước tham gia. Thị trường chứng khoán Việt Nam những năm gần đây là điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư trên thế giới và đặc biệt là trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Không chỉ ngày càng thuận lợi hơn trong việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, mà khi tham gia, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến rõ nét trong quản trị, minh bạch và phát triển bền vững…”, bà Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh.
Cũng theo Lãnh đạo UBCKNN, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường chứng khoán theo hướng chất lượng, bền vững, Việt Nam đang tích cực phấn đấu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi; kiên trì thực hiện tái cấu trúc thị trường dựa trên 4 trụ cột chính: cơ sở hàng hóa; tổ chức thị trường; cơ sở nhà đầu tư; và kinh doanh chứng khoán.