Quản trị

Tại sao người Mỹ không thể mua xe điện giá rẻ của Trung Quốc?

Vắng bóng ở Mỹ

Năm nay, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thay thế Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu nhiều ô tô nhất thế giới. Trước đó, xuất khẩu ô tô của đất nước tỷ dân đã vượt qua Hàn Quốc vào năm 2021 và vượt Đức vào năm 2022. 

Trao đổi với Financial Times, các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ giữ vị trí hàng đầu trong nhiều năm nữa.

Theo dự báo của hãng tư vấn AlixPartners, doanh số ở thị trường nước ngoài của xe hơi do các công ty Trung Quốc sản xuất sẽ chạm mức 9 triệu chiếc vào cuối thập kỷ hiện tại. Nhờ đó, thị phần trên toàn cầu của Trung Quốc sẽ tăng từ 16% hồi năm 2022 lên 30% vào năm 2030.

Làn sóng xuất khẩu xe sẽ mạnh hơn nữa khi xe điện Trung Quốc, vốn rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ, đã có được chỗ đứng, đặc biệt là ở châu Âu, nhà phân tích Ding Yuqian của HSBC cho hay.

Dữ liệu của Wall Street Journal (WSJ) cho thấy Trung Quốc đang sản xuất khoảng 2/3 tổng số xe điện trên toàn cầu. Năm ngoái, hãng xe điện lớn nhất tại nước này là BYD đã xuất xưởng 1,9 triệu xe, cao hơn con số 1,4 triệu của Tesla.

Ông Michael Dunne, CEO hãng tư vấn chuyên về xe điện ZoZo Go, đánh giá trong cuộc phỏng vấn với WSJ: “Hãy tưởng tượng Trung Quốc như một con Godzilla thời hiện đại với sức mạnh có thể phá huỷ bất cứ thứ gì cản đường nó”.

Tuy nhiên, vị CEO cho biết thị trường duy nhất mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chưa thực sự nhảy vào được là Mỹ.

Washington đã và đang xây dựng một pháo đài để ngăn chặn xe điện của Trung Quốc. Đầu tiên, cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế quan 25% đối với ô tô nhập khẩu từ nền kinh tế tỷ dân.

Sau đó, đương kim Tổng thống Joe Biden tiếp nối bằng cách từ chối cấp cho người tiêu dùng Mỹ các ưu đãi có thể tiết kiệm hàng nghìn USD nếu họ mua xe điện của Trung Quốc.

Những bước đi này khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gần như không thể cạnh tranh với xe sản xuất tại Mỹ hoặc nhập khẩu từ các quốc gia thân thiện với Mỹ, ngay cả khi họ đã nhanh chóng thâm nhập vào nhiều thị trường khác.

 

Ưu thế giá rẻ

Song, nỗ lực của Trung Quốc mạnh mẽ đến mức một số quan chức Mỹ lo sợ rằng trong tương lai, ngay cả những rào cản thương mại của Washington cũng có thể không đủ vững chãi để đẩy lùi họ khỏi thị trường Mỹ.

Các quan chức cho biết Bắc Kinh đã mạnh tay trợ cấp để thúc đẩy chuỗi cung ứng xe điện, nhờ đó các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể bán xe với giá thấp một cách không công bằng.

Theo Cox Automotive, giá bán xe điện trung bình tại Mỹ vào tháng 7 là 53.469 USD. Trong khi đó, chiếc SUV Atto 3 của BYD, mẫu xe điện bán chạy hàng đầu thế giới, được chào bán với giá 43.000 USD.

Một mẫu xe điện phổ biến khác là MG5 EV có giá đề xuất là 38.500 USD. MG là một thương hiệu cũ của Anh, hiện thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc SAIC Motor.

Ông Brian Janovitz, quan chức cấp cao tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết cơ quan này đang cảnh giác trước mối đe doạ từ xe điện Trung Quốc.

“Chúng tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm rằng nếu bạn chờ lượng lớn hàng hoá Trung Quốc tràn ngập thị trường, sẽ rất khó để chống lại mối đe doạ đó”, ông Janovitz nhấn mạnh.

Một số nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ muốn Washington giữ nguyên lập trường và kêu gọi chính quyền ông Biden cân nhắc áp thêm thuế quan lên xe ô tô của Trung Quốc.

Phát biểu trước các công nhân ngành ô tô ở Illinois hồi đầu tháng, ông Biden nói: “Trung Quốc quyết tâm thống trị thị trường xe điện bằng cách sử dụng các biện pháp thương mại không công bằng. Song, tôi sẽ không để họ làm vậy. Tôi hứa!”

Đáp lại, ông Liu Pengyu, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết chính sách của Mỹ phân biệt đối xử với ngành xe điện của các nước khác, làm suy yếu sự cạnh tranh công bằng.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến và quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích của Trung Quốc”.

 

Thách thức của Mỹ

Các nhà sản xuất xe hơi Mỹ có quan điểm trái chiều về việc đánh thuế cao hơn đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc.

Họ muốn Washington kìm hãm bước tiến của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc nhưng cũng thận trọng trước khả năng Bắc Kinh trả đũa bằng thuế quan bởi nước này đang là thị trường lớn thứ hai của xe mang nhãn hiệu Mỹ.

Phức tạp hơn là Trung Quốc đã xây dựng chuỗi cung ứng tương đối hoàn thiện cho pin xe điện cũng như các khoáng chất dùng để sản xuất chúng.

Trung Quốc là nước đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất pin, cho phép xe điện có phạm vi hoạt động dài hơn với chi phí cạnh tranh hơn. Nước này cũng dẫn đầu thế giới về việc sản xuất động cơ điện hay thiết kế những hệ thống biến tần hiệu suất cao.  

Ngoài ra, đất nước tỷ dân cũng đang làm chủ chuỗi cung ứng các kim loại quan trọng dùng trong sản xuất pin xe điện, đặc biệt là đất hiếm. Ngoài việc có sản lượng đất hiếm cao nhất thế giới, Trung Quốc cũng đang tích cực kiểm soát các mỏ kim loại quan trọng như cobalt, nickel từ châu Phi, Nam Mỹ cho tới Đông Nam Á. 

Ông John Bozzella, người đứng đầu Liên minh đổi mới ngành xe hơi Mỹ, cho biết nhiều nhà sản xuất ô tô trong nước đang phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện xe điện từ Trung Quốc. “Trung Quốc đã đi trước 10 đến 15 năm”, ông nói.

 

diễn biến khác, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chuẩn bị lắp ráp xe điện tại hoặc gần Mỹ để tránh thuế quan.

Polestar, thương hiệu xe điện hạng sang thuộc sở hữu của hãng Geely, có kế hoạch bắt đầu sản xuất tại bang South Carolina vào năm tới.

Một công ty Trung Quốc khác là Chery đang xây dựng nhà máy ở Mexico, còn BYD và MG đang tăng cường mức độ hiện diện tại quốc gia Bắc Mỹ này.

Các nhà phân tích dự đoán các hãng xe Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vì những công ty này đã xây dựng được năng lực sản xuất xe và pin cực lớn.

Bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho biết Trung Quốc có thể sản xuất khoảng 10 triệu xe ô tô sau khi đáp ứng nhu cầu trong nước khoảng 26 triệu chiếc mỗi năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm