Thị trường chứng khoán sau "cú sốc" thuế quan đã lấy lại được đà hưng phấn trong thời gian gần đây, VN-Index chinh phục được mốc 1.300 điểm. Tài khoản giao dịch được mở mới trong tháng vừa qua cũng tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 8 tháng gần đây.
Tính đến cuối tháng 4, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã vượt 9,8 triệu, cao nhất từ trước đến nay, theo số liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Thị trường tiếp tục duy trì đà hưng phấn khi được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực như các chính sách vĩ mô, định giá thị trường. Nhiều chuyên gia đưa ra các nhận định tích cực cho kịch bản tăng trưởng của thị trường thời gian tới, trong đó có dự báo VN-Index có thể tăng mạnh như giai đoạn 2016-2017, chinh phục mốc 1.900-2.000 điểm.
Chuyên gia của công ty chứng khoán còn cho rằng VN-Index hiện nay rẻ hơn nhiều so với giai đoạn tăng trưởng nóng. Do đó, nhà đầu tư cần nhìn cổ phiếu và nền kinh tế theo con mắt tăng trưởng chứ không phải giá trị. Từ đó, những doanh nghiệp tăng trưởng tốt sẽ có tiềm năng lớn.
Trong bối cảnh đó, các công ty chứng khoán, doanh nghiệp cũng có thể điều chỉnh danh mục để phù hợp thực tế hơn nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro.

Thị trường chứng khoán hưng phấn trong thời gian gần đây (Ảnh: Hữu Khoa).
Tại ngày 31/3, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) đầu tư tài sản ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) hơn 1.428 tỷ đồng vào cổ phiếu và chứng khoán niêm yết.
Danh mục của SSI gồm MBB, VNM, MWG và VPB, trong đó khoản đầu tư vào VPB là lớn nhất, đạt hơn 902 tỷ đồng. Mã này cũng đã được đầu tư ngay từ đầu năm với giá gốc xấp xỉ ngày cuối kỳ báo cáo.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) rót hơn 1.535 tỷ đồng vào các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết như VPB, STB, CTG. Tuy nhiên, khoản đầu tư lớn nhất của công ty lại nằm ở trái phiếu niêm yết và chưa niêm yết, chứng chỉ tiền gửi.
Đối với Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán: VCI), một số cổ phiếu nổi bật trong danh mục của Vietcap đang tạm lãi lớn như KDH (Nhà Khang Điền), IDP (Sữa Quốc Tế Lof), MBB (MBBank) hay STB (Sacombank).
Đặc biệt, tại ngày 31/3, xét theo chênh lệch giữa giá mua và giá thị trường, Vietcap tạm lời gần 1.442 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu IDP - khoản đầu tư tạm lãi cao nhất ở thời điểm kể trên.
Hay Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã chứng khoán: SHS) cũng đầu tư FVTPL hơn 8.476 tỷ đồng cho các cổ phiếu niêm yết như GEX, FPT, HPG, TCB, CTG và các mã khác. Tạm tính tại ngày 31/3, doanh nghiệp ghi nhận tạm lãi hơn 338 tỷ đồng theo giá thị trường với các khoản đầu tư này.
Không chỉ các công ty chứng khoán, nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư tài chính ngắn hạn thông qua cổ phiếu. Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã chứng khoán: NTL) tại ngày 31/3 rót gần 234 tỷ đồng vào 6 mã gồm EVG, HDG, NVL, PAN, TCH, STB và đã thoái vốn QCG. Công ty phải trích lập dự phòng hơn 672 triệu đồng cho khoản đầu tư vào NVL và STB.
Doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán: NDN) dành hơn 462 tỷ đồng đầu tư vào 13 mã cổ phiếu. Trong đó, 2 mã được rót tiền nhiều nhất gồm VHM, HPG, lần lượt đạt 164 tỷ đồng và gần 98 tỷ đồng. Nhiều mã khác đáng chú ý trong danh mục như STB, GMD, HDG, VNM, HVN, ACV... Số tiền lập dự phòng so với giá thị trường là hơn 20 tỷ đồng.