Chia sẻ tại chương trình Data Talk | The Catalyst của VietnamBiz thực hiện ngày 21/5, chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn – Wealth Manager, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán HSC, nhận định rằng Sacombank sẽ cần ít nhất đến năm 2026 để hoàn tất quá trình xử lý tài sản tồn đọng. Khi đó, ngân hàng này mới có thể quay trở lại đúng bản chất là một nhà băng bán lẻ, như từng được biết đến trước khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam.
"Khi xử lý xong toàn bộ tài sản tồn đọng, Sacombank sẽ có điều kiện quay về hoạt động như một ngân hàng bán lẻ đúng nghĩa. Khi đó, Sacombank có thể cạnh tranh một cách chính danh với các ngân hàng cùng ngành như ACB", ông Sơn nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn – Wealth Manager, Khối Khách hàng Cá nhân, Công ty Chứng khoán HSC. (Ảnh: Minh Nguyệt)
Định giá đã phản ánh một phần kỳ vọng
Trong vòng vài năm trở lại đây, các chỉ số tài chính của Sacombank đã có nhiều cải thiện, nhờ đẩy mạnh xử lý tài sản tồn đọng và củng cố nền tảng vốn. Theo ông Sơn, những bước tiến này cũng đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu trên thị trường.
Chỉ số định giá P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) trượt 12 tháng gần nhất của Sacombank hiện dao động từ 1,3 đến 1,4 lần – tương đương với mức định giá của ACB. Đây là mức tương đối hợp lý với một ngân hàng đang ở giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu.
Về dài hạn, nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận và cải thiện chất lượng tài sản, Sacombank có thể nâng cao giá trị sổ sách (book value), từ đó tạo dư địa để cổ phiếu tăng giá thêm.
Chia cổ tức: “Câu chuyện lớn” sau hơn 15 năm
Một điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư là vấn đề chia cổ tức, điều mà Sacombank chưa thực hiện trong suốt hơn 15 năm. Theo quy định, ngân hàng chỉ được chia cổ tức sau khi hoàn tất đề án tái cơ cấu và xử lý toàn bộ tài sản tồn đọng - có thể bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) gần đây, Sacombank đã đưa nội dung chia cổ tức vào chương trình nghị sự, bước đầu thể hiện sự chuẩn bị về mặt pháp lý. Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý rằng việc thực hiện vẫn cần thêm thời gian, do còn phụ thuộc vào các phê duyệt cuối cùng từ cơ quan quản lý.
"Có thể từ năm 2026 trở đi, Sacombank sẽ có những động thái rõ ràng hơn về việc chia cổ tức. Đây sẽ là yếu tố nhà đầu tư rất là quan tâm trong thời gian vừa qua", ông Sơn nhận định.

(Nguồn: Wigroup)
Xử lý tài sản bảo đảm: Tác động lớn đến lợi nhuận và book value
Theo báo cáo tại ĐHĐCĐ 2025, tổng giá trị tài sản tồn đọng của Sacombank vào khoảng 93.000 tỷ đồng, gồm 35.000 tỷ đồng dư nợ gốc và 58.000 tỷ đồng lãi và các khoản phải thu. Ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ cho toàn bộ số dư này, nên công việc còn lại chủ yếu là thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi tiền.
Trong số này, hai khoản mục đáng chú ý bao gồm Khu công nghiệp Phong Phú – tài sản đảm bảo cho một khoản vay lớn đã được Sacombank đấu giá thành công với giá khoảng 8.000 tỷ đồng và đang trong quá trình thu tiền. Khi dòng tiền được thu hồi, ngân hàng sẽ ghi giảm dự phòng, xóa sổ nợ xấu, ghi nhận thu nhập khác, từ đó làm tăng lợi nhuận và giá trị sổ sách.
Đối với khoản nợ 32% cổ phần Sacombank do Ngân hàng Nhà nước quản lý, là tài sản bảo đảm cho khoản vay của ông Trầm Bê. Thương vụ dự kiến trị giá khoảng 33.000–34.000 tỷ đồng.
Theo ông Sơn, nếu Sacombank thu về khoảng 20.000 tỷ đồng từ thương vụ này, sau khi trừ thuế, lợi nhuận ròng có thể đạt khoảng 17.000 tỷ đồng – tương đương 9.000 đồng/cổ phiếu, theo tính toán trên 1,8 tỷ cổ phiếu lưu hành. Điều này có thể giúp book value tăng từ mức hiện tại khoảng 30.000 đồng lên gần 39.000 đồng.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu Sacombank (STB) đang giao dịch quanh vùng 39.000–40.000 đồng, việc tăng book value lên tương ứng sẽ đưa định giá P/B về mức xấp xỉ 1 lần – được coi là mức định giá hấp dẫn trong ngành ngân hàng.

(Nguồn: Wigroup)
Hoàn tất xử lý trái phiếu VAMC: Bước ngoặt về pháp lý
Một trong những điều kiện quan trọng để Sacombank chính thức hoàn tất tái cơ cấu là xử lý toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC. Theo ông Sơn, dư nợ trái phiếu VAMC còn lại trên báo cáo tài chính hiện chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng. Nếu không có biến động lớn, ngân hàng có thể xử lý dứt điểm trái phiếu VAMC khi kết thúc quý II/2025.
Tuy nhiên, việc xử lý 32% cổ phần do NHNN nắm giữ là vấn đề phức tạp, do giá trị rất là lớn, đòi hỏi nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính, đồng thời đáp ứng yêu cầu pháp lý về sở hữu trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, quy trình xét duyệt cũng cần thời gian do có yếu tố sở hữu chéo – hiện đang được NHNN đặc biệt quan tâm.
Ở góc độ phân tích của ông Sơn, nhiều khả năng phải bước sang 2026 mới có thể đo lường hoàn toàn tại Sacombank.