Sáng 22/5, xuất phát từ một bài đăng trên mạng xã hội phản ánh thông tin chuỗi cà phê The Coffee House gần đây đồng loạt bịt đổ điện đã tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Nhiều nhóm cộng đồng, Fanpage đã đăng tải, chia sẻ lại nội dung trên khiến câu chuyện ngày càng đi xa.
Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi cho thấy trong sáng 22/5, tại một số cửa hàng The Coffee House ở Hà Nội, các ổ cắm điện vẫn hoạt động bình thường.
Ổ cắm điện vẫn hoạt động bình thường trong các quán The Coffee House ở Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).
Hoàng Mạnh Nam (Gia Lâm, Hà Nội) - một khách hàng quen thuộc của The Coffee House, chia sẻ anh vẫn thường chọn các cửa hàng trong chuỗi để gặp gỡ bạn bè và làm việc. Nam cho biết chưa thấy sự thay đổi chính sách về thời gian ngồi tại cửa hàng, wifi hay dùng ổ cắm.
Ngay dưới các bài đăng chia sẻ về sự việc “bịt ổ cắm” của The Coffee House, nhiều người dùng mạng xã hội cũng để lại bình luận xác minh cửa hàng chỗ họ không có tình trạng này.
Liên hệ với The Coffee House, phía chuỗi đồ uống từ chối trả lời trước thông tin bịt ổ cắm điện tại quán và cho biết sẽ có thông tin chính thức sau.
Nhiều khách hàng vẫn đang ngồi làm việc, dùng ổ điện và wifi miễn phí tại The Coffee House trong sáng 22/5. (Ảnh: Đức Huy).
Cuối năm 2023, trong một sự kiện F&B do iPOS.vn tổ chức tại Hà Nội, ông Ngô Nguyên Kha - khi ấy là CEO Coffee House nhận được câu hỏi về việc khách hàng mang theo laptop vào quán gọi một cốc nước và ngồi cả ngày, vậy bài toán hiệu quả ở đâu?
Thời điểm đó, ông Kha nói rằng đây là một câu hỏi khó. “Là một ngôi nhà truyền cảm hứng để mọi người cảm thấy hứng thú khi tìm đến làm việc thì đó cũng đã là điều may mắn cho chúng tôi. Bởi khi ấy, chúng tôi đã phục vụ được nhu cầu nào đó của khách hàng. Còn bài toán kinh doanh tôi nghĩ nó luôn ở đấy và chúng ta phải giải”, ông Kha nói.
Ông nhấn mạnh nếu như trước kia, trong điều kiện bình thường, chuỗi hoàn toàn ổn với việc khách hàng ngồi lâu vì cho rằng đã mang lại một giá trị nào đó cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì việc vẫn còn những khách hàng gắn kết như vậy là “một điều rất may”.
Ông cũng nói về chiến lược của The Coffee House thời điểm đó để tăng giá trị gia tăng với những khách ngồi lâu, để khách “tiêu nhiều tiền hơn”. Đó là giảm % giá tiền cho ly nước thứ hai, hoặc ngồi quá 2 tiếng sẽ nhận được voucher (phiếu giảm giá) mua đồ uống tiếp theo.
"Bằng cách này, chúng tôi không thể khẳng định mình tăng được nhiều doanh thu, nhưng chúng tôi cũng cải thiện được tiêu chí về công suất ghế”, ông Kha nói.
Thông tin bất lợi diễn ra khi The Coffee House thời gian qua phải thu hẹp hoạt động. (Ảnh: Đức Huy).
Thực tế, trường hợp khách hàng vào quán gọi một đồ uống bất kỳ và ngồi cả ngày không phải là câu chuyện mới trong ngành kinh doanh ẩm thực.
Năm 2021, Highlands Coffee - chuỗi đồ uống có thị phần lớn nhất Việt Nam xét về quy mô, đã gặp phải sự cố khi khách hàng vào quán gọi đồ uống và bị nhân viên nhắc nhở đã hết thời gian một tiếng, yêu cầu gọi thêm đồ. Sự việc này đã tạo ra tranh cãi trên mạng xã hội.
Chuỗi cà phê ngoại Starbucks dù không ra chính sách về thời gian ngồi của khách nhưng cũng giới hạn thời gian truy cập wifi miễn phí, hết thời gian này, khách phải đăng nhập lại mới tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Theo iPOS.vn - đơn vị ra báo cáo thường niên về ngành F&B tại Việt Nam, cho biết ngồi lâu trở thành nét đặc trưng của ngành kinh doanh đồ uống trong nước. Báo cáo của họ cho biết khàng bỏ ra từ 30.000 đồng tới 60.000 đồng/ly nước mong muốn tận hưởng không gian tiện nghi mà quán cà phê mang lại. Một buổi cà phê có thể kéo dài từ 30 phút tới 3-4 giờ đồng hồ.
Xét ở khía cạnh tích cực, việc khách hàng ngồi lâu không những không xấu mà còn là một việc tốt vì đem lại những lợi ích cho quán cafe như: Tạo cảm cảm giác quán đông khách, đóng góp nguồn doanh thu đều đặn khi những khách ngồi lâu có thói quen quay lại nhiều lần.
Cuối cùng là tạo cơ hội để upsell – bán thêm. Thay vì giới hạn thời gian để “bắt buộc” khách hàng phải gọi thêm đồ uống, các chủ quán có thể tìm cách khai thác những người ngồi lâu để tăng giá trị đơn hàng, tương tự những gì The Coffee House đang thực hiện.
Thông tin bất lợi cho The Coffee House diễn ra trong bối cảnh đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn. Từ cuối năm ngoái, thương hiệu này đã đóng hơn 60 cửa hàng, giảm từ 154 còn 93 điểm bán và rơi khỏi top 5 chuỗi cà phê phổ biến nhất Việt Nam.
Đầu năm 2025, Golden Gate "ông trùm" ngành F&B với các chuỗi Gogi, Manwah đã thâu tóm 99,98% cổ phần The Coffee House với giá 270 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 so với mức định giá 1.000 tỷ đồng năm 2021.

Diễn đàn Đầu Tư Việt Nam 2025 - Mid-Year Update do trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào
Sự kiện quy tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia tài chính, các định chế tài chính, đại diện từ các doanh nghiệp, ngân hàng, các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường.
Trong giai đoạn thị trường có nhiều thay đổi với những tác động chính sách, Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
BTC dành số lượng vé hạn chế cho độc giả VietnamBiz. Vui lòng đăng ký và hoàn thành khảo sát tại đây để xác nhận tham dự.
