Viêm động mạch Takayasu ảnh hưởng đến mạch máu lớn trong cơ thể (động mạch chủ) và các nhánh của nó. Bệnh xảy ra khi thành mạch máu bị viêm gây hẹp hoặc phình động mạch. Ngày 22/5, ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm động mạch Takayasu xảy ra với tỷ lệ 1-2/1.000.000 người, phần lớn ở nữ giới. Hầu hết bệnh nhân ở độ tuổi 40-50. "Trường hợp người bệnh nam ngoài 70 tuổi như ông Toàn là hiếm gặp", bác sĩ Kiều nói.
Trước đó ông Toàn không có triệu chứng bất thường, tình cờ đi khám sức khỏe thì phát hiện huyết áp tay chân không đều. Bác sĩ Kiều nghi ngờ nguyên nhân do hẹp mạch máu, chỉ định siêu âm mạch máu, đo ABI (chỉ số huyết áp cổ chân/cánh tay), chụp MSCT động mạch cảnh và động mạch vành. Kết quả ghi nhận cả ba nhánh mạch máu tim của ông hẹp nặng (hơn 90%), hẹp động mạch cảnh hai bên, động mạch cột sống phải và động mạch dưới đòn hai bên hẹp trung bình đến nặng. Kết quả xét nghiệm máu khẳng định viêm động mạch Takayasu.

Bệnh nhân được thay băng vết mổ mỗi ngày. Ảnh: Hạ Vũ
Cùng điều trị cho ông Toàn, ThS.BS Trần Thúc Khang, Phó khoa Ngoại Tim mạch, Trung Tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhận định ông hẹp nặng ba nhánh mạch máu tim (bệnh ba nhánh mạch vành). Tình trạng hẹp diễn tiến từ từ trong nhiều năm, không biểu hiện triệu chứng. Nhờ khám sức khỏe, bệnh nhân phát hiện các tổn thương nặng của mạch vành trước khi biến chứng nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ Khang cùng êkíp phẫu thuật bắc cầu mạch vành cho ông Toàn. Do các động mạch dưới đòn hai bên đều hẹp nặng nên động mạch vú trong (xuất phát từ động mạch dưới đòn) hay động mạch quay thường được sử dụng làm cầu nối mạch vành đều không sử dụng được. Bác sĩ dùng tĩnh mạch hiển của bệnh nhân để làm cầu nối, tạo một đường tưới máu mới đi vòng qua những vị trí tắc hẹp để tưới máu cho cơ tim. Phẫu thuật được thực hiện với tim đập và không cần máy tuần hoàn ngoài cơ thể.
Hậu phẫu thuận lợi, bệnh nhân được rút nội khí quản sau mổ 8 giờ và về lại phòng nội trú sau 48 giờ. Ba ngày sau mổ, ông Toàn sinh hoạt, vận động bình thường, xuất viện sau 4 ngày, tiếp tục uống thuốc để kiểm soát tình trạng viêm ở động mạch, ngăn ngừa biến chứng.
Theo bác sĩ Khang, các triệu chứng viêm động mạch Takayasu có thể xuất hiện trở lại ngay khi bệnh nhân đã điều trị hiệu quả. Để sống chung với bệnh, mỗi người cần có chế độ ăn uống lành mạnh nhằm ngăn ngừa vấn đề tiềm ẩn như tăng huyết áp, loãng xương, đái tháo đường. Tập thể dục thường xuyên, điều trị bệnh đi kèm, duy trì chế độ ăn có lợi cho sức khỏe tim phổi. Tránh xa thuốc lá để giảm nguy cơ tổn thương mạch máu và mô. Người bệnh nên tiêm vaccine phòng cúm, viêm phổi, zona và các bệnh khác. Phát hiện sớm bệnh viêm động mạch Takayasu sẽ giúp điều trị hiệu quả. Nếu xuất hiện triệu chứng khó thở, đau ngực, đau tứ chi hoặc dấu hiệu đột quỵ như mắt nhìn mờ, yếu liệt nửa người, khó nói..., người bệnh cần đến bệnh viện ngay.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |