Thu nhập chưa đủ cao và tình hình tài chính không ổn định khiến người Việt tìm đến dịch vụ tín dụng nhiều hơn, theo báo cáo của Home Credit, công ty tài chính số, và công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab.
Báo cáo này cũng cho thấy người có thu nhập thấp cần được tiếp cận kiến thức tài chính để quản lý và hạn chế các rủi ro tài chính ở mức thấp nhất.
Báo cáo có tên gọi "Nâng cao sức khoẻ tài chính người Việt Nam" chỉ ra hầu hết người Việt không có thu nhập tăng trong năm 2023. Khoảng một phần ba (36%) thậm chí kiếm được ít hơn so với năm 2022. Một phần ba khác (34%) gần như không thấy sự thay đổi nào trong thu nhập. Khoảng một phần năm (21%) số người được khảo sát đang vật lộn để trang trải chi tiêu hàng tháng. Gần một nửa (49%) chỉ kiếm đủ tiền để trang trải những nhu cầu thiết yếu mỗi tháng.
Báo cáo dựa trên khảo sát hơn 1.200 người từ 18 tuổi trở lên, đại diện cho dân số trực tuyến Việt Nam. Người tham gia khảo sát được tuyển chọn bằng cách lấy mẫu trực tuyến ngẫu nhiên từ ngày 1 đến ngày 7/12/2023.
Theo báo cáo, nhu cầu cho các sản phẩm tín dụng tiêu dùng và tài chính cá nhân ngày một tăng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Theo báo cáo, những người thu nhập thấp thường không có đủ điều kiện thế chấp. Khoảng một phần ba trong số này không có hoặc không cảm thấy thoải mái khi cung cấp hợp đồng lao động (31%) hoặc bảng lương (33%) khi vay.
Việc thiếu khả năng tiếp cận các khoản vay này đang làm tăng sức hấp dẫn của thẻ tín dụng và các gói mua trước trả sau (Buy now, Pay later - BNPL). Gần một nửa (44%) người Việt đã sử dụng thẻ tín dụng trong 12 tháng qua. Trong khi đó, mô hình BNPL đã chiếm được 16% thị phần tín dụng tiêu dùng, mặc dù vừa mới xuất hiện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Home Credit và Decision Lab, khoảng 40% trong số những người có khoản vay hoặc nợ thẻ tín dụng trong 12 tháng qua gặp khó khăn trong việc trả nợ hàng tháng đúng hạn.
Một số nguyên nhân gồm chưa đủ hiểu biết về tài chính và không nhận thức được hậu quả của việc trả nợ quá hạn. Khoảng một nửa số người vay không biết không trả nợ có thể dẫn đến xếp hạng tín dụng xấu (46%), phạt tiền (49%) hoặc khó vay từ tất cả các tổ chức tài chính hợp pháp trong tương lai (57%).