Công nghệ

Viettel kỳ vọng tạo bùng nổ điện toán đám mây

Tầm nhìn nêu bởi ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), tại lễ khai trương Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc - DC (Hà Nội). Người đứng đầu Viettel cho biết trong hai năm tới tập đoàn sẽ đưa vào vận hành hạ tầng dữ liệu với quy mô lớn hơn, thực hiện vai trò chủ lực chuyển đổi số.

"Việc ra mắt DC Viettel Hòa Lạc thể hiện cam kết của tập đoàn trong việc xây dựng hạ tầng số Việt Nam tiêu chuẩn quốc tế, hiện thực sứ mệnh hạ tầng số", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, đánh giá tại buổi khai trương DC.

Lược lại hành trình 35 năm qua, đại diện Viettel cho biết, tập đoàn nhiều lần đóng góp vào các bước tiến công nghệ của đất nước. Khi di động còn là mặt hàng xa xỉ và tỷ lệ sử dụng ở Việt Nam chỉ vào khoảng 4%, đơn vị hướng đến mục tiêu: mỗi người dân Việt Nam đều có điện thoại di động. Đến nay, 99,8% người tiếp cận sóng 4G; cước phí duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Điện thoại thông minh, ngoài kết nối đã trở thành phương tiện học tập, làm việc, giải trí và cả kiếm sống.

Ở mục tiêu tiếp theo, tập đoàn kỳ vọng mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang băng thông rộng. Viettel cùng các doanh nghiệp trong ngành đã đưa cáp quang đến khoảng 90% hộ gia đình.

Viettel kỳ vọng bùng nổ điện toán đám mây

Ông Tào Đức Thắng phát biểu về tầm nhìn của tập đoàn tại buổi lễ ngày 10/4. Ảnh: Nguyễn Hòa

Một chiến lược khác là tạo ra thiết bị điện tử, viễn thông "make in Viet Nam". Hiện tập đoàn sản xuất thiết bị mạng lưới viễn thông như tổng đài, truyền dẫn, trạm phát sóng 4G, 5G, các con chip 5G đưa vào mạng lưới của Viettel. "Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới sản xuất được những thiết bị này", ông Thắng nói.

Nói về nhầm nhìn của năm nay, ông nhấn mạnh: "Giờ đây, Viettel tiếp tục mong muốn cùng các doanh nghiệp trong ngành tạo ra sự bùng nổ về điện toán đám mây, phổ cập hóa hạ tầng dữ liệu để góp phần vào phát triển kinh tế số của đất nước".

Hiện thực tầm nhìn đó, tập đoàn đưa vào hoạt động DC Viettel Hòa Lạc - DC thứ 14 của Viettel. Theo đơn vị, đây là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế với công suất rack cao gấp ba lần mức trung bình nhằm đáp ứng các nhu cầu mới của khách hàng doanh nghiệp - phát triển AI và sử dụng chip hiệu năng cao. Với 60.000 máy chủ, 2.400 racks, công suất điện 30MW, Viettel Hòa Lạc hiện là DC lớn nhất Việt Nam. Với cơ sở mới, Viettel sở hữu 230.000 máy chủ, 11.500 racks với tổng công suất 87 MW điện, tương đương một siêu DC của thế giới.

"Điều này khẳng định cam kết của chúng tôi về xây dựng hạ tầng số Việt Nam hiện đại", ông Tào Đức Thắng nói.

Tập đoàn hiện lập kế hoạch phát triển ít nhất ba trung tâm dữ liệu trong hai năm tới tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng; tổng công suất thiết kế 240 MW. Mức công suất này gấp 8 lần DC Viettel Hòa Lạc.

Viettel kỳ vọng bùng nổ điện toán đám mây - 1

Bên trong DC Viettel Hòa Lạc. Ảnh: Nguyễn Hòa

Đại diện Viettel cũng khẳng định, cùng với việc tạo ra các siêu DC công suất lớn, tập đoàn hướng đến cam kết về chuyển đổi xanh, bền vững. DC Viettel Hòa Lạc đạt tiêu chuẩn về quản lý năng lượng, tác động môi trường, vệ sinh lao động. Đây cũng là DC đầu tiên cam kết hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ.

Viettel Hòa Lạc có chỉ số tiêu thụ điện cho thiết bị tính toán, PUE, đạt 1,4-1,45, cho thấy việc sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. HSBC chứng nhận DC này đủ điều kiện nhận tín dụng xanh.

Tất cả DC Viettel sử dụng bộ lưu điện UPS hiệu suất cao, giúp tạo ra mức hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn trung bình ngành. Trong năm 2023, mức điện tiết kiệm gần 3 triệu kWh, tương đương giảm phát thải khoảng 2.100 tấn CO2.

Tập đoàn hiện có hệ sinh thái dịch vụ đa dạng với hơn 70 sản phẩm, dịch vụ, tiên phong áp dụng các mô hình tính cước linh hoạt theo giờ, theo phút, theo ứng dụng. Đơn vị còn mang đến lựa chọn giữa các nền tảng ảo hóa. Hệ thống Cloud giúp doanh nghiệp trở nên linh hoạt về hạ tầng số, mở rộng khi cần.

Các công nghệ hiện đại đang áp dụng gồm mã nguồn mở OpenStack, Kubernetes... với nhiều phiên bản triển khai ổn định, hỗ trợ các tổ chức sử dụng một cách linh hoạt. DC đảm bảo an toàn vật lý gồm 5 lớp và được giám sát an toàn thông tin 24/7.

"Viettel sẵn sàng mọi điều kiện để cùng các doanh nghiệp Việt Nam tạo sự bùng nổ điện toán đám mây một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả", Chủ tịch Viettel nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm