Doanh nghiệp

Sá xị Chương Dương vẫn chìm trong thua lỗ

Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD) có doanh thu khoảng 56,8 tỷ đồng, giảm 11% so với quý I/2022. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư tăng gấp đôi, đạt hơn 6,2 tỷ đồng nhưng không đủ bù đắp so với phần thâm hụt của doanh thu bán thành phẩm (giảm gần 10 tỷ về 52,7 tỷ đồng).

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 10 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 1,1 tỷ đồng. Phần lớn đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay và cổ tức, lợi nhuận được chia.

Tuy nhiên phần này không đủ bù đắp cho các chi phí cố định. Trong đó, chi phí tài chính tăng 2,5 lần lên gần 10 tỷ đồng, toàn bộ đều là lãi vay. Doanh nghiệp này đang có hơn 609 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính. Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng dâng thêm 64%, chủ yếu do tăng tiền thuê đất.

Tổng lại, Sá xị Chương Dương lỗ gần 20 tỷ đồng sau thuế, gấp 7 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, mức này đã giảm bớt so với khoản lỗ của ba quý liền trước.

Đây là quý thứ 13 liên tiếp SCD thâm hụt lợi nhuận. Tính đến cuối quý I/2024, lỗ lũy kế của công ty đạt gần 218 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 28,7 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu SCD từ ngày 6/5. Nguyên nhân là công ty lỗ ba năm liên tục trong giai đoạn 2021-2023 và vốn điều lệ xuống mức âm.

Chương Dương, tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp). Đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn cuối thế kỷ trước. Thế mạnh của Chương Dương là nước giải khát có gas, trong đó tiêu thụ ổn định nhất là dòng sản phẩm sá xị. Nhờ dòng sản phẩm này mà kết quả kinh doanh giai đoạn 2007-2016 luôn ổn định với mức lợi nhuận 20-30 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, trong khi nhiều thương hiệu đồ uống tràn ngập thị trường, Sá Xị Chương Dương ngày càng thất thế với công nghệ cũ từ những năm 2000. Sau khi công ty mẹ Sabeco về tay người Thái, SCD có đợt hồi sinh trước khi dịch bệnh ập đến. Ban lãnh đạo mới chọn tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động và tìm giải pháp cải thiện doanh số từ mở rộng kênh phân phối, đầu tư mạnh về bao bì, khuyến mãi.

Năm ngoái, công ty nỗ lực cắt giảm và tối ưu hóa chi phí. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào tăng cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu vẫn thấp hơn dự kiến khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm