Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2023 và 2024 của Bộ Tài chính, 24 doanh nghiệp có liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn.
Nhóm doanh nghiệp này đã phát hành hơn 138.200 tỷ đồng trái phiếu, trong đó đã thanh toán nợ gốc hơn 85.700 tỷ đồng. Như vậy, dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này cuối năm 2023 còn hơn 52.400 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Những cái tên đáng chú ý như Tập đoàn Đầu tư An Đông nợ hơn 24.960 tỷ đồng, Bông Sen nợ 4.800 tỷ đồng, Đầu tư Quang Thuận nợ 7.500 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và phát triển Sài Gòn nợ hơn 6.570 tỷ đồng, Đầu tư Tân Thành Long An còn nợ 5.000 tỷ đồng...
Một số doanh nghiệp đang chậm thanh toán lãi và gốc cho trái chủ với số nợ chậm thanh toán vượt 17.210 tỷ đồng. Phần lớn là khoản trả chậm của Đầu tư An Đông hơn 16.430 tỷ đồng. Các công ty Sunny World, Bông Sen, An Khải Hưng, Đầu tư Quang Thuận chậm trả khoảng 83 - 391 tỷ đồng mỗi đơn vị.
Báo cáo của Bộ Tài chính còn nêu rõ có 3 trái phiếu của 3 doanh nghiệp thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát sẽ đáo hạn trong năm 2024 với giá trị 20.100 tỷ đồng; trong đó có 16.080 nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ 11.600 tỷ đồng, chiếm 57,7% lượng đáo hạn.
Trong số 3 doanh nghiệp liên quan tới Vạn Thịnh Phát có trái phiếu đáo hạn trong năm 2024, Bộ Công an đã thông báo tìm người bị hại liên quan tới mã trái phiếu ADC-2019.01 của CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông.
Đối với mã trái phiếu này, Bộ Tài chính cho hay, việc thanh toán sẽ phụ thuộc vào tiến độ điều tra mở rộng vụ án liên quan đến trái phiếu và khả năng thu hồi tài sản của các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố trong vụ án.
Cơ quan này đánh giá, sau vụ việc Ngân hàng SCB và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị mất niềm tin và thanh khoản. Nhiều nhà đầu tư bán tháo trái phiếu hoặc yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn.
Tính đến thời điểm cuối năm 2023, dự nợ trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 1 triệu tỷ đồng do 432 đơn vị phát hành. Tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 là hơn 240.000 tỷ đồng, thấp hơn khối lượng đáo hạn trong năm 2023 là 261.600 tỷ đồng.
Dù khối lượng đáo hạn giảm so với năm ngoái, Bộ Tài chính đánh giá vẫn ở mức cao, trong đó tập trung vào các ngành rủi ro thanh khoản như bất động sản, năng lượng tái tạo...
Thị trường dự kiến có những thuận lợi hơn nhưng nhu cầu huy động vốn từ phát hành trái phiếu riêng lẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm khả năng cân đối vốn và nhu cầu mở rộng, khả năng huy động vốn trên các kênh khác, diễn biến kinh tế vĩ mô.