Sáng ngày 22-4, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.272 đồng/USD, tăng thêm 12 đồng so với cuối tuần trước.
Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng lập đỉnh mới khi Vietcombank niêm yết giá mua vào 25.175 đồng, bán ra 25.485 đồng/USD, tăng thêm 12 đồng so với cuối tuần.
Eximbank báo giá USD bán ra bằng với Vietcombank trong khi mua vào ở mức cao hơn 25.240 đồng/USD.
Đáng chú ý, giá USD ngân hàng và tự do vẫn tiếp tục đi lên trong những ngày qua sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bắt đầu bán USD nhằm "hạ nhiệt" tỉ giá từ 19-4.
Theo tìm hiểu, Ngân hàng Nhà nước công bố sẵn sàng can thiệp tỉ giá bằng cách bán USD cho các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỉ giá can thiệp là 25.450 đồng nhưng đến sáng nay một số ngân hàng cho biết vẫn chưa mua ngoại tệ từ cơ quan này.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định tỉ giá chưa hạ nhiệt có thể do thời điểm hiện tại các bên liên quan còn đang "quan sát thị trường". Bên có USD kỳ vọng có thể bán được giá cao hơn nên chưa đẩy mạnh bán ra USD. Tỉ giá bán của Ngân hàng Nhà nước (25.450đ đồng/USD) hiện đã thấp hơn tỉ giá bán của ngân hàng thương mại (25.485 đồng/USD), nên sẽ góp phần neo kỳ vọng trong ngắn hạn.
"Với Ngân hàng Nhà nước, việc bán ngoại tệ theo hướng gửi tín hiệu và thăm dò phản ứng thị trường cũng là cần thiết nhằm tránh hao tổn dự trữ ngoại hối. Để đánh giá hiệu quả của việc bán ngoại tệ từ cơ quan quản lý thì chúng ta cần theo dõi thêm trong vài tuần tới", ông Hùng Linh nói.
Trước đó, tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay biến động tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới đã khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao, kể cả các nước có nền kinh tế mạnh. Mức mất giá của đồng nội tệ ở các nước dao động từ trên 3% đến gần 9%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, tỉ giá VNĐ/USD đã mất giá 4,9% so với đầu năm.