Kỹ năng sống

Sự khác biệt giữa tình yêu và hôn nhân

Trên mạng xã hội hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc gần đây có một cuộc thảo luận về chủ đề "Sự khác biệt giữa tình yêu và hôn nhân". Trong số này, câu trả lời của một người đàn ông 80 tuổi được hưởng ứng nhiệt tình nhất.

Tình yêu và hôn nhân

Những cá nhân có hôn nhân hạnh phúc đều biết hy sinh bản thân, chịu đựng và thậm chí bỏ qua cái tôi cá nhân vì cái chung. Ảnh minh họa: shutterstock.

"Nhiều bạn trẻ hỏi tôi: Tình yêu là gì? Theo tôi, chúng ta chỉ có thể mượn câu trả lời của Plato, triết gia người Hy Lạp", người đàn ông họ Vương kể.

Một ngày, Plato hỏi cô giáo: "Thưa cô, tình yêu là gì? Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy nó?". Cô giáo trả lời: "Trước mặt chúng ta là cánh đồng lúa mì. Em hãy đi đến đó và hái bông lúa mì vàng nhất, nang về đây cô sẽ giải thích cho em". Plato tiến về phía trước và mò mẫm trong cánh đồng lúa một lúc lâu. Tuy vậy khi trở về, ông vẫn tay trắng. Cô giáo hỏi: "Tại sao em không hái được bông lúa nào?" Cậu học sinh trả lời: "Em đã tìm thấy bông lúa mỳ vàng nhất nhưng em không biết liệu có bông nào vàng hơn phía trước hay không, vì em mới đi được một phần cánh đồng. Bởi thế em đã không hái nó".

Cô giáo lúc này mỉm cười nói: "Đây chính là tình yêu".

"Vì không biết phía trước có lựa chọn nào tốt hơn nên chúng ta đã không hạ quyết tâm, dẫn đến việc bỏ lỡ "mối tình đẹp nhất" của mình. Theo cách này, tình yêu là thứ không thể đạt được, nó giống như một lý tưởng hơn, em sẽ bỏ lỡ nó nếu không cẩn thận", cô giáo nói thêm.

Một ngày khác, Plato hỏi cô giáo: "Hôn nhân là gì? Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy nó?. Cô giáo trả lời: "Trước mặt em có một khu rừng. Em hãy đến đó chặt một cây cao và tươi nhất. Em sẽ biết hôn nhân là gì".

Plato đi về phía trước, một lúc sau, ông chặt một cái cây và quay trở lại. Cây này không tươi cũng chẳng cao, chỉ là một cái cây bình thường. Cô giáo hỏi: "Tại sao em lại chọn cây này?" Plato trả lời: "Như lần trước, em cẩn trọng tìm khắp nơi rồi nhưng nửa ngày vẫn trắng tay. Em nhìn thấy cây này giữa đường và nghĩ nó cũng không quá tệ, vì vậy đã chặt nó mang về".

Cô giáo nói: "Đây chính là hôn nhân. Hôn nhân thường đến sau tình yêu. Sau khi một người đã bỏ lỡ tình yêu lý tưởng đời mình, họ sẽ lo lắng đến được và mất. Do đó khi gặp được người tự đánh giá là thích hợp, dù có bình thường thế nào thì họ cũng thấy mãn nguyện. Tư tưởng này thường là bước khởi đầu cho một cuộc hôn nhân".

Câu chuyện của Plato nói lên một thực tế: Trong mắt nhiều người, tình yêu thường lý tưởng, còn hôn nhân rất thực tế. Mọi người thường có tâm lý tìm một người không quá lý tưởng nhưng phù hợp để tiến tới hôn nhân.

Tuy vậy, sẽ có người hỏi: "Vậy những cuộc hôn nhân nồng đậm tình yêu tồn tại lâu không?"

Erich Fromm - nhà tâm lý học xã hội Đức - cho rằng tình cảm nên xây từ niềm tin, tinh thần không vị kỷ và phải hành động. Ảnh: Fromm Online

Erich Fromm - nhà tâm lý học xã hội Đức. Ảnh: Fromm Online

Một cuộc khảo sát cho rằng "thời hạn của tình yêu" thường chỉ kéo dài 18-30 tháng. Kể từ đó, cả hai chia tay hoặc sống cuộc sống vợ chồng êm đềm. Giáo sư Cindy Hazan của Đại học Cornell, Mỹ đã đưa ra kết luận trên khi tiến hành khảo sát 5.000 cặp vợ chồng thuộc 37 cấp độ văn hóa khác nhau, kèm những xét nghiệm về y tế.

Giáo sư này tin rằng, từ 18-30 tháng là thời gian đủ để một người đàn ông và một người phụ nữ gặp gỡ, hẹn hò, kết hôn và sinh con. Sau khi quá trình này kết thúc, hai người không còn cảm giác yêu đương mặn nồng nữa.

Khi giai đoạn cuồng nhiệt mất đi, tình yêu cũng sẽ nhạt dần, nhìn chung không dễ bắt gặp tình trạng nhịp tim tăng nhanh và lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi khi đối diện với nhau. Điều đó có nghĩa là, hầu hết các tình yêu, dù mãnh liệt đến đâu, sẽ trở thành bình thường trong vòng một hoặc hai năm.

Trong cuốn sách "Hành trình tình yêu" của tác giả Trung Quốc Tiểu Đóa, cũng có quan điểm: "Suy giảm sự hài lòng trong hôn nhân là thói quen. Đây là một trong những quy luật tâm lý quan trọng chi phối cuộc sống của chúng ta".

"Nếu chúng ta tiếp xúc nhiều lần với một kích thích, cho dù kích thích đó là gì, theo thời gian, chúng ta sẽ dần bỏ qua nó. Kích thích vẫn luôn ở đó, trong khi chúng ta không còn cảm nhận được sự hứng thú như trước", Tiểu Đóa viết.

Trong kinh tế học cũng có một khái niệm "Thỏa dụng biên", còn gọi là mức thỏa dụng mà người tiêu dùng có thêm khi tiêu dùng thêm một đơn vị hàng hóa. Theo đó, nếu một người không có giày vô tình nhận được một đôi giày và đánh giá chúng, kết quả dù đôi giày đẹp, vừa vặn hay không, anh ấy đều ngay lập tức đánh giá cao. Nếu người đó tiếp tục nhận được giày và được yêu cầu xếp loại các đôi giày tiếp theo, điểm số sẽ ngày càng thấp hơn. Sự hài lòng do "đôi giày tiếp theo" mang lại giảm dần, đó là khi thỏa dụng biên giảm dần.

Bởi vậy, khi đã quen với niềm vui và hạnh phúc trong một mối quan hệ nhưng không còn tươi mới nữa, cảm giác hòa hợp chắc chắn sẽ không mang lại cho bạn cảm giác hài lòng như trước.

Vì vậy, theo quan điểm này, hôn nhân lâu bền hay không không liên quan đến mức độ yêu đương thuở ban đầu. Những cá nhân có hôn nhân hạnh phúc đều biết hy sinh bản thân, chịu đựng và thậm chí bỏ qua cái tôi cá nhân vì cái chung. Bởi điều lớn lao nhất mà họ muốn là được ở bên cạnh người đã từng cùng họ bước lên lễ đường trong tiếng chúc phúc.

Nhà tâm lý người Đức Erich Fromm từng viết trong cuốn sách: "Nghệ thuật yêu" rằng, tình yêu không phải là cảm giác, mà là hành động. Ví dụ, một người uống rượu bia cả ngày, không quan tâm đến vợ con vẫn có thể nói với bạn bè trong nước mắt rằng: "Tôi yêu gia đình tôi". Câu nói giả dối này thực ra không có gì khó hiểu. Nói "tình yêu" bằng lời nói, hoặc chỉ tưởng tượng trong đầu và dùng nó làm bằng chứng, rất đơn giản. Tuy nhiên, tình yêu phải là hành động, không phải sự tưởng tượng. Để duy trì một cuộc hôn nhân hay tình yêu lâu dài bắt buộc phụ thuộc vào những hành động.

Trong hành trình của tình yêu, có hai gợi ý để duy trì sự thân mật.

Tích cực giao tiếp

Khi xảy ra xung đột, hãy tích cực giao tiếp thay vì lựa chọn im lặng. Cần bày tỏ mong muốn của bản thân rõ ràng, đồng thời lắng nghe ý kiến của đối phương để tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề.

Cùng nhau làm việc nhà

Một cuộc hôn nhân lâu dài có vẻ như không chỉ dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau mà còn có sự tham gia của cả vợ và chồng vào việc nhà.

Một nghiên cứu gần đây tiến hành trên 160 cặp vợ chồng trong độ tuổi từ 25 đến 30, có ít nhất một con dưới 5 tuổi đã phát hiện gia đình hạnh phúc là gia đình có người đàn ông tham gia vào công việc nhà. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Family Issues. Giáo sư Adam Galovan, Đại học Missouri (Mỹ) - chủ trì nhóm nghiên cứu cho biết, không nhất thiết phải chia đều việc nhà mà các cặp vợ chồng hãy làm điều đó cùng nhau.

Chuyên gia này nói: "Chia sẻ có thể nghĩa là làm một cái gì đó nhiều lần với nhau. Đó là lần lượt chia nhau thay tã lót cho con hoặc người này trông trẻ, trong khi người kia chuẩn bị bữa tốt". Hôn nhân sẽ hạnh phúc hơn khi người vợ cảm nhận được ông chồng gần gũi với những đứa trẻ.

(Theo aboluowang)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm