Ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA) là một rối loạn đặc trưng của bệnh lý hô hấp có liên quan đến giấc ngủ và thường xảy ra ở nam giới. Người mắc chứng này sẽ bị ngưng thở khoảng 10 giây trở lên trong lúc ngủ kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức. Đáng nói, do hội chứng này chỉ xảy ra trong lúc ngủ và thường không được chuẩn đoán nên có đến 90% người bệnh không hề biết mình đang bệnh cho đến khi xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ gồm 3 thể bệnh khác nhau gồm: Ngưng thở tắc nghẽn, ngưng thở trung ương và ngưng thở hỗn hợp.
Nguyên nhân gây hội chứng ngưng thở khi ngủ thường là tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp trên trong khi ngủ do: Lưỡi lớn, bất thường về xương hàm; mô ở thành sau họng quá to;...Còn ngưng thở khi ngủ trung ương là do vấn đề ở não không gửi được những tín hiệu thích hợp để điều khiển cơ hô hấp của người bệnh.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác như: Bị xoang, béo phì, phì đại VA, lưỡi hoặc amidan làm tăng nguy cơ hoặc khiến người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng hơn. Đa phần người bị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương có đồng thời gặp vấn đề về thần kinh hoặc suy tim.
Người bệnh sẽ bị ngưng thở khoảng 10 giây rồi lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm
Nam giới sẽ có nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn nữ giới đến 2 lần. Trong đó, phần lớn đến tuổi trung niên mới bắt đầu khởi phát và tiến triển nặng.
Triệu chứng hội chứng ngừng thở khi ngủ
Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ có những triệu chứng điển hình như: buồn ngủ nhiều vào ban ngày; ngủ ngáy kèm ngạt thở, thở phì phò; thức giấc nhiều lần trong đêm; đi tiểu nhiều lần trong đêm; bị thừa cân béo phì; bất thường vùng hàm mặt; tang huyết áp; sáng thức giấc bị đau đầu; giảm trí nhớ;…
Đặc biệt, hội chứng này còn có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não,… từ đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não, nhồi máu cơ tim.
Nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh và có nguy cơ gây đột tử.
Hình ảnh hẹp eo họng các mức độ qua nội soi – một trong những nguyên nhân gây ngủ ngáy. Nguồn: Semantic Scholar
Điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ bằng cách nào?
Các phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ sẽ tùy thuộc vào từng tình trạng và nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, có một số cách điều trị thường được áp dụng gồm: Giảm cân nếu đang bị béo phì; đeo nẹp hàm; liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục; phẫu thuật mở rộng khoảng thở vùng họng miệng bằng cách cắt bỏ tổ chức mô mềm thừa ở màn hầu và thành bên họng, có thể kèm cắt amidan;...
Bên cạnh đó, người bệnh nên cải thiện lối sống để tăng chất lượng giấc ngủ và hoạt động của hệ hô hấp như: Không sử dụng thuốc an thần; hạn chế uống rượu hoặc các chất gây nghiện; thay đổi tư thế ngủ; không hút thuốc lá,…
Tổng hợp
Nguồn tham khảo: Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM; Bệnh viện Đa khoa Medlatec