Kỹ năng sống

8 cách để không nghiện mạng xã hội

Tháng 10, ĐH Công nghệ Sydney (Australia) công bố một đánh giá có hệ thống trên mạng xã hội, xác định 47 tác hại của nó, bao gồm ghen tị, cô đơn, lo lắng và giảm lòng tự trọng.

Các dấu hiệu cảnh báo khác về việc sử dụng mạng xã hội gồm khó ngủ, ám ảnh và trong một số trường hợp, giảm ham muốn tình dục. Dấu hiệu cuối cùng xuất phát từ cảm giác chán nản và bị cô lập do thói quen sử dụng mạng xã hội kéo dài.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, giảng viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho hay, những dấu hiệu đặc trưng của tình trạng nghiện mạng xã hội là: ngày càng gia tăng thời lượng sử dụng, trăn trở và tìm kiếm, khó chịu khi tìm cách giảm sử dụng.

Người trẻ Việt dùng điện thoại trong Công viên Tao Đàn, TP.HCM, năm 2019. Ảnh:Shutterstock/Anh Huy

Người trẻ Việt dùng điện thoại trong Công viên Tao Đàn, TP.HCM, năm 2019. Ảnh:Shutterstock/Anh Huy

Để phá vỡ chu kỳ sử dụng mạng xã hội không lành mạnh, các chuyên gia khuyến nghị một số mẹo sau:

Xác định lý do bạn sử dụng

Có những lợi ích nhất định khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Kết nối với bạn bè, phát triển doanh nghiệp, tìm kiếm lời khuyên... Tuy nhiên, đó có phải là động lực chính của bạn để đăng ký Twitter hoặc TikTok không?

Bạn cần biết bạn muốn gì trong thời gian sử dụng mạng xã hội. Trước khi mở một ứng dụng, hãy dành thời gian tự hỏi ý định thực sự của bạn, lý do tại sao. Bạn muốn được biết đến? Bạn muốn kết nối? Để so sánh? Đánh giá? Nói chuyện phiếm?

"Bước đầu tiên khi sử dụng có ý thức hơn là phải biết vì sao bạn bắt đầu", Robert Stern, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty tiếp thị The Social Leader, nói.

Đừng đăng nhập khi thấy chán nản

Khi mọi thứ không theo ý mình, chúng ta tìm cách nào đó thật nhanh để cải thiện tâm trạng. Tuy nhiên, Michele Goldman, nhà tâm lý học và cố vấn truyền thông cho Hope for Depression Research Foundation (quỹ nghiên cứu trầm cảm) khuyên chỉ nên dùng mạng xã hội khi tinh thần ổn định.

Ít nhất, Goldman khuyên nên theo dõi cảm xúc trong và sau khi dùng mạng xã hội để xác định tác động của nó.

Đặt mục tiêu rõ ràng

Một trong những yếu tố lớn nhất khiến mọi người luôn muốn dùng mạng xã hội là FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ). Tiến sĩ Carl Marci, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Innerscope Research, công ty nghiên cứu khoa học thần kinh, gợi ý nên áp dụng tư duy JOMO (niềm vui khi bỏ lỡ).

Để làm được điều đó, ông khuyên cần đặt mục tiêu sử dụng mạng xã hội rõ ràng, lý do tại sao bạn muốn xuất hiện trên mạng xã hội. Hãy tập trung vào tương lai và điều gì đó tích cực. Thay vì tiếc nuối khi không lướt mạng, nên nghĩ: Tôi muốn ở bên các con nhiều hơn và làm việc hiệu quả hơn, chứ không phải muốn cố xem điện thoại ít đi.

Suy nghĩ hai lần trước khi chia sẻ

Cần cân nhắc không chỉ những gì bạn xem trên mạng xã hội mà cả những gì bạn chia sẻ. Sự cân nhắc phải gấp đôi khi chia sẻ ảnh của con cái.

Tiến sĩ Marci khuyên khi chia sẻ điều gì trên mạng xã hội, cần đặt câu hỏi: "Những gì bạn chia sẻ đúng không?", "Nó có hữu ích cho ai đó hoặc một nhóm nào đó không?" "Bài viết có truyền cảm hứng không?" "Nó có cần thiết không?" và cuối cùng là "Nó có tốt không?".

Tự giới hạn thời gian sử dụng

Khi nghiện mạng xã hội, bạn sẽ đánh mất thời gian trong thế giới thực. Vì vậy, cần có ý thức về mức độ sử dụng. Hãy đặt giới hạn cho mình.

Bằng cách kích hoạt bộ giới hạn sử dụng thiết bị điện thoại trên điện thoại, bạn sẽ được đánh thức khỏi cơn nghiện. Hoặc đơn giản là để chuông 10 phút. Khi chuông reo, hãy đóng ứng dụng.

Tắt thông báo

Khi đăng bài viết, nên tắt thông báo khi có người bình luận, "thích". Tiếp theo, hãy giới hạn thời gian hàng ngày để trả lời những bình luận, đăng bài và tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội.

Hãy xác định số giờ trung bình bạn sử dụng mạng xã hội và bắt đầu đặt mục tiêu hàng tuần là giảm từ 30 phút đến một giờ. Cuối cùng, tránh đăng bài và hạn chế bình luận của bạn trong những chia sẻ của người khác.

(theo Farther)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm