13 người con mà cố tỷ phú Hong Kong Henry Fok có với 3 người vợ vừa thống nhất thoả thuận bí mật về việc phân chia phần tài sản trị giá 1,45 tỷ USD của ông liên quan tới một dự án bất động sản ở Trung Quốc đại lục.
Khi ông Fok qua đời vào năm 2006 ở tuổi 83, ông là người giàu thứ 181 trên thế giới và giàu thứ 7 ở Hong Kong (Trung Quốc) với khối tài sản ròng trị giá 3,7 tỷ USD. Ước tính, ông đã đầu tư 772 triệu USD vào Trung Quốc đại lục, chủ yếu ở tỉnh Quảng Đông vốn là trung tâm công nghiệp lớn.
Ian Fok, con trai cả của cố tỷ phú Henry Fok tại phiên toà hồi tháng 1 năm nay. Ảnh: Getty Images. |
Theo tài liệu nộp lên toà án, gia đình ông Fok từng ký một thoả thuận để chấm dứt mọi hành động pháp lý liên quan tới số tài sản 1,45 tỷ USD của vị tỷ phú này vào năm 2012. Tuy nhiên, một số vụ kiện đã xảy ra vào năm 2016 sau khi nổ ra tranh chấp về một dự án bất động sản ở Trung Quốc đại lục thuộc sở hữu công ty của gia đình, Henry Fok Estates.
Vụ tranh chấp mới nhất liên quan đến 5 người con của ông Fok và vợ đầu tiên và một phần cổ phần tại dự án. Năm 1997, một công ty con của Henry Fok Estates, thuộc sở hữu của 5 người này (với tỷ lệ cổ phần được chia đều), chuyển nhượng số cổ phần trên cho quỹ từ thiện Fok Ying Tung Foundation với giá 1 đôla Hong Kong. Đợt mua lại cổ phiếu hết hạn vào năm 2007 đáng lẽ đã giúp công ty con này lấy lại số cổ phần đó với giá 1 đôla Hong Kong. Tuy nhiên, số cổ phần vẫn nằm ở quỹ từ thiện do con trai cả Ian Fok đứng đầu với tư cách là giám đốc điều hành. Theo đó, ba người, gồm Benjamin, Nora và Patricia, buộc tội anh trai Ian che giấu thỏa thuận mua lại này.
Dự án này được khởi công vào năm 1933 với mục đích biến Nam Sa, một thành phố ở tỉnh Quảng Châu, thành một trung tâm công nghệ tiên tiến. Ước tính, dự án hiện có giá trị là 1,09 tỷ USD, bao gồm một viện khoa học công nghệ được xây dựng vào năm 1977 và Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong.
Henry Fok là một trong những tài phiệt nổi tiếng nhất ở Hong Kong nói riêng và Trung Quốc nói chung. Sinh năm 1903 tại Hong Kong, Fok buộc phải nghỉ học khi Nhật Bản chiếm đóng thành phố này trong thời gian đầu của Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai. Sau đó, ông làm việc trong lĩnh vực vận tải biển.
Trong chiến tranh Triều Tiên, ông gây dựng cơ nghiệp đầu tiên của mình bằng cách buôn lậu hàng hóa vào Trung Quốc, và vào những năm 1960, ông đầu tư vào sòng bạc ở Macau cùng với ông trùm Stanley Ho. Hai người cùng sở hữu công ty vận hành sòng bạc độc quyền Sociedade de Turismo e Diversoes de Macau ở đây.
Fok trở nên nổi tiếng trong giới chính trị vào những năm 1990. Năm 1993, ông trở thành Phó chủ tịch Uỷ ban Quốc gia của Hội nghị tham vấn chính trị nhân dân Trung Quốc. Ông tiếp tục giữ vai trò này sau khi thành phố được Anh trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997 và khi đó, những người con trong cuộc hôn nhân đầu tiên là người kế tục sự nghiệp kinh doanh của ông.