Công nghệ

"Startup giá trị thật không lo thị trường biến động"

Phiên thảo luận với chủ đề "Startup Việt và thách thức trong tương lai biến động" thuộc khuôn khổ Gala Startup Việt 2022, chiều 14/12 nóng dần với những phân tích sắc bén từ đại diện các doanh nghiệp. Các diễn giả là chuyên gia, lãnh đạo của FPT Smart Cloud, TopCV, OnusChain đã chỉ ra những cú sốc có thể đe dọa sự tồn tại của startup như bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, sự bùng nổ hay bão hòa bất chợt của công nghệ, từ đó tìm ra hướng đi bền vững trước thách thức.

Startup cần "tìm cơ trong nguy"

Mở đầu, ông Trần Trung Hiếu - Founder kiêm CEO TopCV Việt Nam lấy ngay ví dụ về cú sốc Covid-19. Làn sóng dịch bệnh kéo dài 2 năm vừa qua đánh gục nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Dòng vốn vào thị trường năm 2021 có chiều hướng tăng. Tuy nhiên 2022 lại là một bài toán hoàn toàn khác. Đến năm nay, nền kinh tế thế giới và Việt Nam mới thực sự thấm đòn.

Điều này dẫn đến "mùa đông" dòng vốn. Các cú sốc khác như xu hướng sa thải nhân viên công nghệ, sự sụp đổ của những startup lớn, bất ổn chính trị... cũng khiến việc khởi nghiệp ở thời điểm này trở nên bấp bênh.

Ông Trần Trung Hiếu - Founder kiêm CEO TopCV Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Trần Trung Hiếu - Founder kiêm CEO TopCV Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần

Tuy vậy, ông Hiếu cho rằng vẫn là thời điểm phù hợp để "tìm cơ trong nguy". Dẫn chứng bằng chính trường hợp của TopCV, vị này nói Covid-19 khiến lượng người dùng tăng vọt do nhu cầu tìm việc lớn. Mặc dù doanh thu không tăng, bù lại đơn vị xây dựng được hình ảnh trong mắt người dùng. "Chúng tôi không đặt mục tiêu gọi thật nhiều vốn, không yêu cầu tăng trưởng phi mã mà muốn làm điều bình thường trở nên xuất sắc, bền vững, nhất là với những mô hình kinh doanh lấy con nguời làm trọng tâm", vị CEO chia sẻ.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc FPT Smart Cloud đánh giá "mùa đông" dòng vốn khiến việc gọi vốn startup trở nên khó khăn hơn khi các nhà đầu tư trở nên dè dặt. Startup có thể sống tốt nếu xây dựng được giải pháp thiết thực, đáp ứng được các bài toán thực tiễn, có tác động đến xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc FPT Smart Cloud. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc FPT Smart Cloud. Ảnh: Quỳnh Trần

Đơn cử như trường hợp của FPT Smart Cloud, mới thành lập từ năm 2020 nhưng nhanh chóng xây dựng được vị thế trong ngành. Khi FPT Smart Cloud tham gia ngành tài chính ngân hàng - vốn đã là mảnh đất chật chội với rất nhiều bên chia "miếng bánh". Đơn vị cần tìm một hướng đi mới, xây dựng một giải pháp mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ví dụ như sản phẩm hỗ trợ hợp nhất báo cáo tài chính công ty lớn, đáp ứng thị trường Việt Nam và được đón nhận.

"Có những lĩnh vực tưởng chừng chật chội và không còn chỗ đứng nhưng chỉ cần startup có hướng đi riêng, giải quyết được các bài toán thực tiễn, tạo ra giá trị thật thì chắc chắn sẽ sống tốt", ông Minh nói.

Tối ưu dòng tiền, xây dựng sản phẩm tốt để tồn tại

Giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, các chuyên gia đều nhận định việc kêu gọi đầu tư không còn dễ dàng. Muốn thuyết phục nhà đầu tư rót vốn, trước hết bản thân doanh nghiệp khởi nghiệp phải chứng minh được tính hữu ích của sảnphẩm. Startup phải mang về doanh thu nhất định thì khi trình bày mới nhà đầu tư mới dễ nhận được cái gật đầu.

"Nhà đầu tư luôn nhìn vào startup để xem tiềm năng để ra được nhiều tiền. Startup chưa có doanh thu dễ bị ép giá khi gọi vốn. Họ cần tìm ra được mô hình kinh doanh ra tiền với nguồn lực tối ưu, doanh thu cao, chi phí thấp", CEO TopCV nhận định.

Dàn diễn giả chia sẻ tại Gala Startup Việt 2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Dàn diễn giả chia sẻ tại Gala Startup Việt 2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Trần Đức Bảo - CEO ONusChain, một doanh nghiệp blockchain cho rằng bài toán với startup là cần xây dựng sản phẩm hướng đến người dùng, công nghệ áp dụng nên thực tiễn. Các sản phẩm phải cố gắng trở nên đơn giản, dễ hiểu nhất trong từng câu chữ, từng tính năng để bất kể người dùng phổ thông nào cũng dùng được. Tiêu biểu cho sự đơn giản, dễ dùng có thể kể đến như Facebook, Instagram,...

Việc xây dựng sản phẩm không hướng đến người dùng sẽ nhanh chóng dẫn đến thất bại. Ông Bảo chỉ ra trường hợp của rất nhiều startup về blockchain trong mảng GameFi. Họ tạo ra sản phẩm với mục tiêu gọi vốn mà không chú trọng vào tính năng, đồ họa, cốt truyện trong game. Sau thời gian đầu nổi lên, những startup này nhanh chóng lụi tàn khi người dùng rời bỏ. "Sau khi gọi vốn được vài triệu, thậm chí vài chục triệu USD, nhiều startup GameFi, NFT bị lãng quên vì xây dựng sản phẩm không hướng đến người dùng. Nếu xây dựng sản phẩm được đơn giản hóa, ai cũng hiểu sẽ là một thành công", ông Bảo chia sẻ.

Kết thúc phiên thảo luận, các chuyên gia đúc rút những nguyên tắc sống còn với đơn vị khởi nghiệp trong bối cảnh thị trường nhiều biến động. Theo ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc FPT Smart Cloud, trong nguy luôn có cơ. Giai đoạn qua tuy biến động mạnh nhưng nhiều đơn vị đã nhìn ra và khai thác nhiều cơ hội. "Nếu startup có giá trị thực sẽ sống trong mọi hoàn cảnh. Nếu mô hình kinh doanh mộng tưởng thì sẽ không bền trong giai đoạn này", ông Minh kết luận.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm