Ngày 14/12, HĐQT của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023 sau 22 năm tại vị. Việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử con trai ông Hải là ông Lê Viết Hiếu đảm nhận chức Tổng Giám đốc (theo quy định của Luật Doanh nghiệp số 59/2022/QH14) vào kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập sẽ thay vị trí của ông Hải kể từ đầu năm tới.
Rời ghế Chủ tịch, ông Hải sẽ giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Sáng lập của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, vừa được HĐQT thông qua thành lập.
Ông Lê Viết Hải sinh năm 1958, là Kiến trúc sư tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP HCM. Ông Hải là một “công thần” cũng là người sáng lập ra Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình và đưa doanh nghiệp này trở thành một trong những đơn vị xây dựng hàng đầu thị trường.
Năm 1987, ông Hải khởi nghiệp Văn phòng Xây dựng Hòa Bình với số lượng nhân viên là 20 người, ban đầu chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân. Tới năm 1992, tập đoàn bắt đầu nhận thầu thi công nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô tương đối lớn.
Năm 2000, Văn phòng Xây dựng Hòa Bình được chuyển đổi thành CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình. Năm 2006, Hòa Bình chính thức niêm yết trên sàn HOSE. 5 năm sau tức năm 2011 đánh dấu mốc phát triển ra thị trường nước ngoài của tập đoàn với dự án ở Malaysia.
Giữa năm 2016, CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình như hiện tại.
2020 - năm ghi nhận sự chuyển giao từ thế hệ sáng lập sang thế hệ lãnh đạo thứ hai của tập đoàn. Sau 20 năm kiêm nhiệm cả vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc, ông Hải đã nhường lại ghế CEO cho con trai Lê Viết Hiếu (sinh năm 1992) khi mới 28 tuổi.
Ông Hiếu nhậm chức CEO trong bối cảnh ngành xây dựng rất khó khăn khi đang chịu một áp lực rất lớn về tiềm năng tăng trưởng, cùng với cú bồi từ đại dịch cũng như giá vật liệu xây dựng tăng phi mã.
Sau hai năm đảm nhiệm, ông Hiếu đã rời ghế Tổng Giám đốc xuống vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực kể từ ngày 23/7/2022 và được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 9/8. Ghế CEO của Xây dựng Hoà Bình vẫn bỏ trống từ đó tới nay.
Theo kế hoạch, ông Lê Viết Hiếu sẽ quay trở lại ghế Tổng Giám đốc từ đầu năm tới.
Khó khăn tiếp tục bủa vây hai năm tới
Kể từ cuối năm 2004 tới ngày 30/9/2022, quy mô tài sản của Xây dựng Hoà Bình đã tăng gấp 265 lần lên 18.683 tỷ đồng. Vốn điều lệ của doanh nghiệp đã tăng 46,4 lần lên 2.678 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.
Ông Lê Viết Hải từng chia sẻ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các đơn vị tư nhân đã làm nên một cuộc cách mạng khi nhà thầu Việt Nam đã thay thế nhà thầu ngoại tại các dự án có quy mô lớn, yêu cầu tính mỹ thuật cao. Tuy nhiên, khi các nhà thầu ngoại không còn nhiều bóng dáng trên các đô thị Việt Nam, thì cũng là lúc ngành xây dựng khủng hoảng.
Số lượng dự án bất động sản dần thu hẹp khiến giá đấu thầu xây dựng cạnh tranh rất khốc liệt. Do đó, mức lợi nhuận của các nhà thầu trong nước từ giai đoạn 2018 - 2020 chỉ đạt được mức rất thấp và sang tới năm 2020, 2021 thì gặp phải đại dịch COVID-19.
Thực tế, doanh thu của Xây dựng Hoà Bình tăng trưởng mạnh giai đoạn 2014 - 2019, đạt mức cao kỷ lục vào 2019 và giảm tới 40% trong năm COVID-19 thứ nhất.
Còn lợi nhuận của Xây dựng Hoà Bình đạt đỉnh năm 2017 và bắt đầu trượt dốc từ 2018. Khi đại dịch bùng phát đẩy giá nguyên liệu vật tăng phi mã cùng những áp lực trong ngành và khó khăn của ngành bất động sản khiến lợi nhuận của tập đoàn giảm tới 79% năm 2020, còn 84 tỷ đồng.
Sang tới 9 tháng đầu năm nay, kết quả kinh doanh của Xây dựng Hoà Bình và nhóm xây dựng nói chung ghi nhận hồi phục nhờ vào khối lượng công việc bị dồn lại trong hai năm dịch bệnh COVID-19.
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, đối thủ Cotecons ghi nhận nhiều quý thua lỗ giúp Xây dựng Hoà Bình vượt mặt về lợi nhuận. Ba quý đầu năm nay, trong khi Coteccons lãi chưa tới 2 tỷ thì Xây dựng Hoà Bình lãi sau thuế 61 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Chứng khoán BSC đánh giá tăng trưởng trong thời gian tới của nhóm xây dựng dân dụng sẽ tiếp tục gặp thách thức khi các dự án bất động sản thương mại bị tạm ngừng thi công, hoãn triển khai dự án rất nhiều.
Siết chặt dòng vốn chảy vào bất động sản gây nên rủi ro cao về trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi trong năm 2022 - 2023. Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là rủi ro lớn nhất đối với ngành xây dựng trong quý IV/2022 và cả giai đoạn 2023 - 2024 khi áp lực về dòng tiền đối với các chủ đầu tư sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán công nợ và nguồn cung dự án mới ra thị trường.
Bên cạnh đó, giá trị backlog sẽ không phản ánh được kết quả kinh doanh sắp tới khi hầu hết các chủ đầu tư đều đang gặp khó khăn về nguồn vốn và kế hoạch triển khai dự án.
Tham vọng xuất khẩu ngành xây dựng ra nước ngoài
Ông Lê Viết Hải từng ví von ngành xây dựng giống như một chiếc xe đang chạy rất nhanh trên xa lộ đi vào đường hẻm, không còn giữ được tốc độ cao nữa. Theo ông Hải muốn khôi phục được trọn vẹn năng lực của các công ty xây dựng tư nhân thì cần phải mở một thị trường mới.
Quy mô thị trường xây dựng thế giới hiện nay có giá trị lên đến khoảng 12.000 tỷ USD và dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19.000 tỷ USD, trong khi xây dựng Việt Nam trong những năm gần đây chỉ khoảng 50 - 60 tỷ USD.
"Việt Nam có lượng kỹ sư xây dựng gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Nếu chúng ta chiếm lấy 3% thị trường xây dựng toàn cầu thì quy mô doanh số là rất lớn", ông Hải chia sẻ.
Hoà Bình, Coteccons, Delta, Ecoba, An Phong những năm trước đây đều đạt được mức tăng trưởng rất cao, mỗi năm không dưới 25%, và cũng có công ty trên 30% - 35%/năm. Trong đó, Hoà Bình đạt được 38%, xấp xỉ 40%/năm.
Với tốc độ đó, nếu không có thị trường nước ngoài, thì các nhà thầu tư nhân trong nước sẽ bị kìm hãm do thị trường hiện quá nhỏ mà nhu cầu phát triển thì quá lớn. Nếu các nhà thầu cạnh tranh giảm giá thì không có tích luỹ. Tiềm năng quá lớn mà không tìm ra thị trường để giải phóng sức sản xuất đó thì sẽ giết chết cái năng lực này.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình
Với chiến lược đẩy mạnh ra thị trường nước ngoài, tháng 8/2022, Xây dựng Hòa Bình đã thành lập Tiểu ban thị trường nước ngoài và bổ nhiệm ông David Martin Ruiz – người có nhiều kinh nghiệm tại các doanh nghiệp xây dựng quốc tế là Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài.
Trong năm, tập đoàn đã xác định hơn 20 dự án khả thi, 10 dự án có tiềm năng trung bình hoặc cao với doanh thu khoảng 350 triệu USD. Trong đó, hai dự án được chốt vào quý III năm nay gồm một dự án tại Brisbane, Australia của chủ đầu tư người Việt và một dự án tại Ontario, Canada với tổng giá trị khoảng 60 triệu USD.
Cuối năm nay, tập đoàn dự kiến sẽ bắt đầu triển khai dự án tại Ontario, Brisbane và năm sau sẽ đến Texas và châu Âu.
Giai đoạn 2024 - 2025, Hòa Bình sẽ dành thời gian để đánh giá lại kết quả thực hiện và mở rộng kinh doanh tại các tiểu bang Florida, Nevada, Utah, Arizona, Califonia. Năm 2026 sẽ phát triển tại Anh, 2028 sẽ phát triển tại Bắc Calorina...
4 thị trường chiến lược của Hòa Bình là Canada, Mỹ, Úc và châu Âu. Doanh nghiệp cho biết sẽ thực hiện M&A các công ty tại thị trường mục tiêu và sử dụng các nhà thầu phụ giúp tiết kiệm chi phí về tư vấn thiết kế thông qua lực lượng kỹ sư làm việc từ xa từ Việt Nam.
Song song hoạt động xây dựng, doanh nghiệp lên kế hoạch trở thành nhà phân phối vật liệu xây dựng từ Việt Nam sang nước ngoài. Mảng kinh doanh này được tập đoàn kỳ vọng là chìa khóa giúp công ty có thêm lợi thế cạnh tranh với các nhà thầu nội địa.
Để giải bài toán vốn cho tham vọng trên, Hoà Bình dự kiến huy động khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi nhằm tăng nguồn vốn trung dài hạn bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng.